error image error image error image

Khám phá điệu múa ngựa của người Nùng Dín

22/03/2024 58 0
Trước đây điệu múa ngựa giấy của người Nùng Dín ở Lào Cai là một phong tục để tiễn đưa người quá cố về với tổ tiên. Giờ đây nó còn được biểu diễn trong những ngày hội của bản làng, hội thi văn nghệ quần chúng.

Đối với người Nùng Dín cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, con ngựa là vật nuôi quan trọng trong gia đình, vừa là phương tiện thồ hàng, vừa là người bạn thân thiết trong mỗi gia đình. Hình ảnh con ngựa gắn bó trong đời sống vật chất và cả đời sống tinh thần. Trong lễ tang, múa ngựa giấy thể hiện sự biết ơn của người đang sống với người đã mất. Đôi ngựa giấy tượng trưng cho lễ vật mà con gái đi lấy chồng dâng lên cha mẹ đẻ của mình khi họ qua đời, để cha mẹ ở thế giới bên kia có ngựa thồ hàng, có phương tiện đi lại. Điệu múa ngựa giấy được coi là điệu múa thiêng, là nghi lễ hiến tế lễ vật trong đám hiếu của người Nùng Dín.

Điệu múa ngựa giấy được hồi sinh

Điệu múa ngựa thường có 2 người cùng thực hiện, một chàng ngựa và một nàng ngựa. Người ta mô phỏng hình con ngựa bằng vòng tròn và đầu ngựa. Để tăng sự cuốn hút họ trang trí bằng những thếp giấy màu dán lên thân và đầu ngựa. Người múa sẽ đứng trong vòng tròn tượng trưng cho thân ngựa, hai tay cầm thân và đầu ngựa hướng ra phía trước. Những động tác múa sẽ  mô tả lại những hành động bình dị thường ngày của loài ngựa như nhẩn nha gặm cỏ trên đồng, tung vó hí vang, rồi làm quen nhau, cùng nhau dạo chơi, quấn quýt lấy nhau, phi nước đại, vươn cổ, quay lưng tung vó đá nhau… Sự cuốn hút ở điệu múa ngựa nằm ở nhịp múa và tiếng nhạc ngựa. Mỗi cung bậc cảm xúc của đôi ngựa lúc nhẩn nha gặm cỏ hay lúc tung vó hí vàng thể hiện bằng nhịp múa và tiếng nhạc ngựa dồn dập, nhẹ nhàng hay mạnh mẽ. Sự hấp dẫn của điệu múa còn thể hiện ở động tác điều khiển ngựa giấy và thể hiện sinh động qua nét mặt, ánh mắt biểu cảm của nghệ nhân trình diễn. Khi trình diễn mỗi diễn biến của điệu múa ngựa lúc cao trào, lúc nhẹ nhàng cũng khiến cảm xúc của khán giả cũng hào hứng, thích thú hoặc trầm lặng theo. Dường như cảm xúc của nghệ nhân đã hòa quyện vào với cảm xúc của khán giả.

Nghệ nhân múa và trang trí mô hình ngựa giấy

Ngày nay điệu muá ngựa được cộng đồng người Nùng Dín chú trọng lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ trẻ. Nhiều học sinh theo học và diễn lại ở trường học. Theo các nghệ nhân muốn múa ngựa đẹp thì phải luyện tập thường xuyên, sao cho bước chân di chuyển nhẹ nhàng, uyển chuyển, thanh thoát… Du khách đến với Bắc Hà hay Mường Khương vào các dịp lễ hội chắc chắn sẽ được tận mắt thưởng thức điệu múa ngựa truyền thống của người Nùng Dín.

Học sinh được truyền dạy và biểu diễn múa ngựa giấy

Phan Phượng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu