error image error image error image

Văn Hóa Truyền Thống Người Tày Bản Hồ, Sa Pa Hấp Dẫn Khách Du Lịch

21/10/2023 299 0
Ở Sa Pa, người Tày sống tập trung ở vùng thung lũng dọc sông, suối ở các xã Bản Hồ, Mường Bo, Liên Minh. Người Tày vẫn còn giữ được nhiều nét truyền thống trong sinh hoạt và văn hóa tạo nên sức hấp dẫn riêng đối với khách du lịch.

Thật dễ để nhận ra các bản làng truyền thống của đồng bào dân tộc Tày với những nếp nhà sàn truyền thống được làm từ gỗ, tre, nứa. Trước kia, gầm nhà sàn dùng để nuôi gia súc, gia cầm, ngày nay thì dùng để cất nông cụ và lương thực. Trên nhà sàn, bàn thờ được đặt chính giữa, phía trước là nơi tiếp khách, hai bên và phía đằng sau là nơi sinh hoạt của gia đình. Trong bất kỳ các sự kiện nào của gia đình như cưới xin, sinh đẻ, ma chay, nhà mới đều có sự hiện diện của những nghi lễ thờ cúng nghiêm ngặt.

Phong cảnh ruộng bậc thang trên đường xuống Bản Hồ

Người Tày là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm lúa nước, trồng rau quanh nhà và làm nương rẫy. vì vậy các món ăn của đồng bào đều đậm đà huwogn vị của núi rừng. Tháng 9 đến với vùng đồng bào Tày nơi đây bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon của cốm, thơm mùi lúa nếp non, đậm vị ngọt của sữa gạo.  Ngoài ra đồng bào còn có nhiều món được chế biến từ gạo như các loại bánh và đặc biệt là xôi 7 màu.  Nguyên liệu làm màu đều lấy từ những loại cây cỏ vườn nhà . Một món ăn mang đậm bản sắc khác mà bất kì ai cũng thích thú và muốn thưởng thức lại khi đền nơi đây, đó là món vịt nấu măng chua. Vị thanh chua của măng, mùi thơm của hạt dổi và vị ngọt ngon của thịt vịt cuốn hút vô cùng. Đối với người Tày Bản Hồ dù mâm cỗ có thịnh soạn đến mấy vẫn không thể thiếu một món ăn giản dị nhưng hợp với bữa rượu ấy là món lòng gà xào hoa và lá đu đủ non, không chỉ thơm ngon mà còn vô cùng bắt mắt, để lại nhiều dư vị độc đáo, khó quên.

Du khách thích thú khi trải nghiệm, khám phá văn hóa của người Tày

Nhà sàn truyền thống dân tộc Tày

Người Tày ở Sa Pa còn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống như  nghề trồng bông, dệt vải, rèn đúc nông cụ, nghề mộc và mây tre đan. Các sản phẩm bông vải của người Tày rất đẹp, kèm theo kỹ thuật nhuộm chàm tốt nên không chỉ là sản phẩm phục vụ nhu cầu của cộng đồng, mà các dân tộc khác cũng mua về để sử dụng. Đặc biệt các sản phẩm vải bông nhuộm chàm, thiết kế nhiều mẫu mã, hình thù độc đáo được du khách ưa thích. Sản phẩm nghề mộc là những ngôi nhà sàn độc đáo, những thùng chứa nước, chậu rửa tinh xảo, đẹp mắt. Sản phẩm nghề mây tre đan là những chiếc địu để gùi đồ, những chiếc hòm, rổ, nong, nia và các dụng cụ đánh bắt cá. Tất cả những sản phẩm độc đáo, tạo ra nét đặc sắc trong đời thường này lại rất hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Đàn tính – nhạc cụ truyền thống độc đáo, đặc trưng của dân tộc Tày

Văn hóa, lễ hội truyền thống của người Tày Sa Pa cũng lưu giữ được nhiều nét truyền thống đặc sắc. Người Tày có nhiều lễ tết và hội hè trong năm: Tết Nguyên đán, tết Thanh minh, tết diệt sâu bọ 5/5, rằm tháng 7, tết cơm mới…Lễ hội nổi tiếng nhất của người Tày là lễ hội Lồng Tồng (lễ hội xuống đồng), thường được tổ chức vào đầu xuân mới với ước muốn cầu cho mùa màng bội thu, cây cối tươi tốt và người yên vật thịnh. Các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy, hội xòe vẫn được tổ chức nhằm tạo không gian vui chơi lành mạnh cho cộng đồng người Tày Sa Pa. Người Tày nơi đây còn giữ gìn được nhiều làn điệu dân ca nhưng nổi tiếng nhất là lượn – lối hát giao duyên  nam nữ trữ tình. Nhạc cụ đặc trưng là chiếc đàn tính được làm từ quả bầu khô với những âm thanh trầm đục luôn hấp dẫn đối với du khách mỗi khi được thưởng thức. Người Tày có nhiều điệu xòe độc đáo: xòa hoa, xòe khăn , xòa nón, múa cầu mùa, múa sư tử…

Múa quạt truyền thống của đồng bào người Tày

Với những nét văn hóa truyền thống còn được bảo lưu, giữ gìn và phát triển cho đến tận ngày nay và thế hệ sau này. Những bản làng của người Tày ở Sa Pa vẫn luôn là điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với du khách thập phương muốn tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa của vùng đất Sa Pa.

Thành Tuân

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu