error image error image error image

Ngựa trong đời sống người vùng cao Bắc Hà

29/02/2024 120 0
Con ngựa là vật nuôi quan trọng trong đời sống của người dân vùng cao Bắc Hà. Hình ảnh ngựa đi vào thơ ca, tục ngữ, xuất hiện trong các nghi lễ tang ma, cưới xin. Trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống cả vật chất và tinh thần của người dân.

Từ lâu con ngựa đã gắn bó mật thiết với đời sống lao động và tinh thần của đồng bào vùng cao Bắc Hà. Trẻ em từ bé được theo bố mẹ lên nương được tập cưỡi ngựa. Lớn lên các chàng trai luyện tập đua ngựa với các bạn bè cùng trang lứa, học nghề nuôi ngựa, huấn luyện, tập cho ngựa thồ.

Trong đời sống tinh thần của đồng bào, ngựa là một phần không thể thiếu. Ở lễ cưới của người Tày, người Phù Lá những con ngựa to khỏe được chọn ra để thực hiện nghi lễ đón cô dâu về nhà chồng, ngựa được buộc, thắt bông hoa đỏ trước trán rất trang trọng. Trong tang ma của người Nùng có bài múa ngựa truyền thống, dùng để đưa tiễn linh hồn người chết về với thế giới bên kia. Trong nghi lễ tang ma của người Mông lại là vật thiêng và cũng chỉ duy nhất con ngựa là con vật hóa thân thành chiếc cáng đưa người Mông về với thế giới tâm linh sau khi chết. Trong tín ngưỡng truyền thống của người Mông, ma ngựa cũng là một loại ma có sức mạnh huyền bí.

Trong cuộc sống hàng ngày, đối với các gia đình thì con ngựa vừa là phương tiện đi lại, vừa dùng để thồ hàng hóa. Thồ phân leo dốc núi đá mà không có ngựa thì việc sản xuất của gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, ngựa còn là nguồn kinh tế, nuôi ngựa sinh sản có thêm nguồn thu nhập. Trong phát triển kinh tế, nhiều hộ gia đình người Mông, Tày, Phù Lá… nuôi ngựa cái để sinh sản, để bán. Chúng trở thành nguồn lợi chính của các hộ gia đình trong phát triển kinh tế.

Giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, con ngựa là phương tiện giao thông chính, giúp vận chuyển đạn dược, vũ khí. Con ngựa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những người làm công tác thông tin liên lạc ở các xã, huyện miền núi của Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung. Hình ảnh anh giao liên đội mũ, sườn đeo một chiếc túi chéo cưỡi ngựa là hình ảnh quen thuộc với nông thôn miền núi vài thập niên trước. Họ là người giữ vai trò kết nối thông tin liên lạc giữa miền xuôi và miền núi, truyền tải thông điệp, liên lạc vượt qua bom đạn góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà đã có lịch sử mấy trăm năm, khởi nguồn của lễ hội đua ngựa là từ nghi lễ diễu hành ngựa vào dịp Tết Nguyên đán. Cũng chính từ các lễ hội của đồng bào, những chú ngựa thồ đã trở thành những chiến mã trong các cuộc đua hằng năm. Nét độc đáo của đua ngựa Bắc Hà là đua ngựa thồ, những kỵ sĩ trong cuộc đua ngựa là nông dân với tinh thần thượng võ, dũng cảm, mãnh liệt và tự tin. Năm 2021, Lễ hội đua ngựa Bắc Hà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu