error image error image error image

Lịch sử Lễ hội đua ngựa Bắc Hà - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

29/02/2024 136 0
Bắc Hà vẫn có truyền thống diễu hành ngựa vào ngày Ngọ của tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau tết Nguyên Đán để cầu may. Sau lễ diễu hành là hoạt động vui chơi, đua ngựa, bắn súng …. Kết thúc lễ hội đua ngựa các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường

Lễ hội đua ngựa ở Bắc Hà có lịch sử hàng trăm năm nay, khởi nguồn cho lễ hội đua ngựa là từ lễ diễu hành ngựa trên các đường làng trong ngày đầu năm mới. Theo các cụ cao niên người Tày, người Mông kể lại, lễ hội đua ngựa hình thành từ mấy đời nay rồi (khoảng thế kỷ 17, 18), khi còn bé đã nghe các cụ già trong bản nói đến tục lệ diễu hành ngựa, trâu trong ngày con ngựa sau Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, các cụ chỉ nhớ được vào những năm đầu thế kỷ XX, thời kỳ này ở Bắc Hà vẫn có truyền thống diễu hành ngựa vào ngày Ngọ của tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau tết Nguyên Đán để cầu may, để báo hiệu một năm canh tác mới bắt đầu. Sau lễ diễu hành là hoạt động vui chơi, đua ngựa, bắn súng được tổ chức và sau đó cứ định kỳ vào ngày Ngọ đầu tiên sau Tết Nguyên Đán các dân tộc lại đua nhau tham dự. Kết thúc lễ hội đua ngựa là các cuộc xòe một hai đêm sau đó tan hội, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường, kết thúc những ngày tết nguyên đán.

Đến giai đoạn sau, nối tiếp truyền thống đua ngựa của đồng bào các dân tộc, vào khoảng những năm 1960-1975, huyện đội Bắc Hà bắt đầu tổ chức các cuộc thi cưỡi ngựa bắn súng, rèn luyện quân binh và hoạt động này duy trì đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX.

Theo nghệ nhân Vàng Văn Xiểu cho biết: Trong cuộc thi cưỡi ngựa bắn súng do huyện đội tổ thức từ những năm 70 của thế kỷ XX, nhưng rõ nhất là vào năm 1972 đã có rất nhiều thanh niên tham gia và nhiều người đã thi đấu tốt, vừa cưỡi ngựa, vừa bắn súng rất giỏi, nên đã đạt được nhiều lễ hội thưởng. Những con ngựa đua giỏi thường là những con ngựa tốt, được đồng bào giữ cẩn thận, chăm nuôi cẩn thận và được dùng để nhân giống ra những con ngựa tốt khác.

Trên địa bàn huyện có 3 cụ cao niên đã tham gia lễ hội năm 1972 vẫn còn sống, có một người đạt giải nhất được thưởng chiếc áo len tên là Vàng Văn Xiểu, sinh năm 1943, thôn Na Lo xã Tà Chải, thị trấn Bắc Hà. Hai người còn lại là Vàng Văn Chu, sinh năm 1944, thôn Nậm Cáy, thị trấn Bắc Hà, Ông Vàng A Tráng, sinh năm 1942, thôn Na Khèo xã Tà Chải.

Vào năm 1975, ở Bắc Hà tổ chức một buổi diễu hành với trên 200 con ngựa đi khắp khu vực trung tâm chào mừng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến mùa xuân năm 1980, Huyện đội (Ban Chỉ huy Quân sự) Bắc Hà tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sĩ, xạ thủ giỏi để tham gia dân binh vận chuyển lương thực bằng đường bộ. Sau đó, Bắc Hà không tổ chức giải lần nào nữa.

Đến năm 2008, lần đầu tiên Tuần văn hóa du lịch huyện Bắc Hà được tổ chức và khôi phục lại lễ hội đua ngựa truyền thống của huyện. Ủy ban nhân dân huyện Bắc Hà khôi phục và tổ chức lại theo nghi thức truyền thống, gắn với hoạt động phát triển du lịch của địa phương cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn đã tổ chức thành công nhiều mùa lễ hội, thu hút các nài ngựa trên địa bàn tham gia, và các tỉnh bạn, trở thành ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc của địa phương.

Từ đó đến nay, huyện Bắc Hà tổ chức lễ hội đua ngựa truyền thống định kỳ hàng năm. Đến với lễ hội đua ngựa truyền thống của Bắc Hà, du khách được trải nghiệm bầu không khí sôi động tranh tài của các “kỵ sĩ chân đất” của các “con ngựa thồ” và cả lượng lớn khán giả là người dân. Thông qua lễ hội đua ngựa các kỵ sĩ phô diễn sức mạnh, lòng can đảm, sự khéo léo, dẻo dai và hiểu ý nhau giữa ngựa và nài ngựa. Lễ hội đua ngựa Bắc Hà rất hấp dẫn, sôi nổi và rất đặc biệt mang sắc thái văn hóa đặc trưng của vùng cao nguyên trắng Bắc Hà. Nhân dịp lễ hội đua ngựa diễn ra, các du khách trực tiếp ngắm cảnh, trải nghiệm cuộc sống thú vị với các loại quả mận, lê…Du khách trực tiếp vào vườn mận Tam hoa ở Tà Chải, Na Hối, thị trấn… sai trĩu, quả đỏ mọng ngọt. Du khách được thăm động Cốc Ly, Động Tiên, Động Thiên Long, khám phá chợ phiên Bắc Hà, thăm thung lũng hoa, vườn hoa hồng… được hòa mình vào với các loại hình di sản văn hóa truyền thống của dân tộc, như hội xòe của người Tày ở Tà Chải, múa khèn, múa gậy xinh tiền của người Mông ở Dinh Hoàng A Tưởng, được thưởng thức các loại hình văn hóa truyền thống tại các thôn bản... 

Có thể nói, lễ hội đua ngựa Bắc Hà không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và khách du lịch, mà nó còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, thể thao truyền thống của dân tộc huyện Bắc Hà; bảo tồn các tri thức dân gian trong lựa chọn, bảo lưu giống ngựa truyền thống của địa phương và tập quán chăm sóc, sử dụng ngựa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Hà

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu