error image error image error image

Những điểm du lịch ở Văn Bàn khi vào mùa Lễ hội cốm Dương Quỳ 2023

12/10/2023 1817 0
Dương Quỳ “Miền đất cổ tích” được biết đến với những cánh đồng bằng phẳng, dòng suối hiền hòa, núi non hùng vĩ. Bên cạnh đó là những bản làng trù phú, mang đậm nét văn hóa dân tộc Tày Văn Bàn.

 Lễ hội Cốm Dương Quỳ sẽ được tổ chức vào ngày 20 – 22/10/2023 với chủ đề: “Sắc vàng hương Cốm” với nhiều hoạt động đặc sắc nhằm bảo vệ và tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc “Mường Chăn”. Vì vậy, khi đến với Lễ hội cốm Dương Quỳ, hãy cùng Du lịch Lào Cai ghé qua một số điểm du lịch thú vị sau đây nhé:

1. Di tích Đồn Dương Quỳ

Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh Đồn Dương Quỳ cách trung tâm huyện Văn Bàn 15 km về phía Tây. Đây là 1 trong 16 đồn của thực dân Pháp được xây dựng kiên cố ngay từ khi chúng đặt chân đô hộ tại châu Văn Bàn vào đầu thế kỷ trước. Là địa danh ghi dấu một thời oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đồn Dương Quỳ là một biểu tượng giáo dục về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, chống giặc ngoại xâm, khơi dậy lòng tự hào dân tộc của thế hệ trẻ hiện nay.

Bình yên Dương quỳ ngày nay sau chiến thắng tại Đồn Dương Quỳ

2. Chinh phục núi Gia Lan

Nằm trên độ cao 1.458m so với mực nước biển, đỉnh Gia Lan là một vùng rộng lớn với khung cảnh thần tiên khi mây trời và nắng gió cùng hòa quyện bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết. Bên cạnh những vách đá dựng đứng cùng thảm thực vật phong phú đem đến vẻ đẹp kiêu sa và hùng vĩ thì huyền thoại về một mảnh đất mang dấu ấn lịch sử hào hùng khiến nó được mệnh danh là một trong những đệ nhất hùng sơn Tây Bắc. Bởi lẽ địa hình chủ yếu là đồi cỏ thấp, quãng đường ngắn, ít phải leo trèo, và khung cảnh thì vô cùng ảo diệu với từng tầng mây xếp chồng dày đặc lên nhau, phủ kín cả ngọn núi nên núi Gia Lan đã đang và sẽ trở thành điểm du lịch leo núi tiềm năng trong tương lai.

Núi Gia Lan huyền thoại

3. Dần Thàng

Khác với hầu hết các xã ở khu vực phía Tây Văn Bàn nằm dọc suối Chăn, Dần Thàng nằm sườn núi nơi có độ cao trung bình khoảng 800 - 900 m. Cũng bởi vậy, trong khi các xã vùng thấp chịu ảnh hưởng bởi gió khô nóng, khí hậu khắc nghiệt thì Dần Thàng được thiên nhiên ban tặng khí hậu dịu mát hơn. Từ Quốc lộ 279 rẽ lên trung tâm xã Dần Thàng cứ hun hút hết con dốc này nối con dốc khác khiến người ta có cảm giác xã vùng cao này phải ở nơi “thâm sơn cùng cốc”, nhưng thực tế từ xã Dương Quỳ lên đây chỉ chưa đầy chục cây số. Những ai đủ kiên nhẫn để đi qua chặng đường buồn tẻ ấy sẽ không cảm thấy uổng công khi lạc vào biển mây đầy mê hoặc khi đứng từ trung tâm xã Dần Thàng nhìn xuống thung lũng và đi thêm vài cây số nữa về hướng Nậm Mười là triền ruộng bậc thang tít tắp theo sườn núi chẳng hề thua kém ruộng bậc thang Sa Pa hoặc Y Tý (Bát Xát).

Cảnh đẹp nơi miền đất Văn Bàn

4. Tham quan, tìm hiểu kiến trúc Nhà sàn của người Tày

Cộng đồng người Tày ở xã Dương Quỳ sống quần tụ dưới những mái nhà sàn lúp xúp, cổ kính, nhuốm màu của thời gian. Khác với nhiều đồng bào ở Tây Bắc vốn quen với du canh du cư, người Tày ở Dương Quỳ rất coi trọng sự ổn định. Khi đến nơi đây, du khách được chiêm ngưỡng những mái nhà sàn lợp cọ trở thành nét văn hóa lâu đời, vừa là nơi cư trú vừa mang nét văn hóa đậm bản sắc. Cả xã hiện có rất nhiều ngôi nhà sàn đã nhuốm màu thời gian của đồng bào dân tộc Tày qua nhiều thế hệ. Những căn nhà truyền thống được dựng bằng vật liệu sẵn có, mái lợp bằng mái tôn thay thế lá cọ hoặc cỏ gianh truyền thống, sàn được lát bằng tre hoặc gỗ. Giàu hay nghèo cũng là nhà năm gian, lưng tựa vào núi, mặt quay ra dòng sông Nậm Chăn thơ mộng chảy qua bản làng.

 Du khách tham quan, trải nghiệm nếp nhà sàn truyền thống của người Tày

Bích Ngọc

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu