error image error image error image

Nhìn lại Sa Pa 120 năm du lịch hình thành và phát triển. Kì 2 – Hình thành khu nghỉ dưỡng Sa Pa

13/09/2023 1052 0
Suốt cả thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ 20, Sa Pa chỉ biết đến như một trạm nghỉ dưỡng núi. Công kiến tạo khu nghỉ dưỡng Sa Pa đến ông Toures – Công sứ Pháp ở Lao Kay lúc bấy giờ, khiến ông trở thành mối duyên nợ và ân tình với du lịch Sa Pa.

1908: Duyên nợ và ân tình với khu nghỉ dưỡng Sa Pa

Suốt cả thập kỷ đầu tiên trong thế kỷ 20, Sa Pa chỉ biết đến như một trạm nghỉ dưỡng núi. Công kiến tạo khu nghỉ dưỡng Sa Pa đến ông Toures – Công sứ Pháp ở Lao Kay lúc bấy giờ, khiến ông trở thành mối duyên nợ và ân tình với du lịch Sa Pa. Ông Toures cho rằng những tiềm năng của Sa Pa nếu được phát huy sẽ khiến Sa Pa trở thành kinh đô nghỉ mát mùa hè của Bắc Kỳ và ông tin rằng Sa Pa hội tụ đủ mọi điều kiện để trở thành một khu nghỉ mát có quy mô ở xứ Đông Dương. Xuất phát từ niềm tin ấy, Sa Pa bắt đầu được người Pháp quan tâm nghiên cứu, đầu tư, xây dựng khu nghỉ mát núi mùa hè.

Năm 1909, ông Toures đã xây dựng bản báo cáo gửi Toàn Quyền Đông Dương đề xuất kế hoạch xây dựng một khu nghỉ dưỡng trên cao nguyên Lồ Súi Tổng. Tuy nhiên, bản kế hoạch này chưa được nhà cầm quyền ở Đông Dương lúc bấy giờ chấp thuận. Ông Toures đã quyết tâm thuyết phục các nhà cầm quyền bằng nhiều biện pháp: Ông ta đã tạo điều kiện cho ông Mieville – một nhà nghiên cứu về nông học đến Sa Pa để tiến hành các thí nghiệm nông học, cung cấp các bản thống kê khí tượng thủy văn đầu tiên nhằm xác định điều kiện và các thông số khí hậu; Ông Toures đã  mời  nhà truyền thông Hautefeulle đến quảng bá cho các kết quả nghiên cứu của ông Mievelle để thu hút sự chú ý của báo giới. Năm 1910, một bài nghiên cứu có tiêu đề “Khu nghỉ mát điều dưỡng” đăng trên tạp chí Đông Dương phân tích rõ lợi ích mà khu điều dưỡng mang lại đã có tác động lớn tới chính quyền Đông Dương.

1910: Cơ hội lớn lần thứ nhất để kiến tạo Khu nghỉ dưỡng Sa Pa

Từ năm1898, Pháp ra đạo luật về việc kiến thiết đường xe lửa ở Đông Dương, trong đó có con đường Hải Phòng – Vân Nam. Theo tinh thần đạo luật này, toàn quyền Đông Dương điều đình với một số đại tư bản Pháp ở Trung Quốc để thành lập một công ty thầu việc làm con đường sắt đó. Một phái đoàn gồm có một số kĩ sư của các công ty tư bản ở Pháp và một số kĩ sư và sĩ quan của Nha công chính Đông Dương bắt đầu nghiên cứu đoạn đường Lào Cai, Vân Nam. Tổng số chiều dài con đường xe lửa Hải Phòng – Côn Minh là 848 cây số, trong đó đoạn Hải Phòng – Lào Cai dài 384 cây số và làm tất cả mất 11 năm (từ 1899 đến 1910). Năm 1906 đoàn đường sắt Hải Phòng – Lào Cai thi công xong. Năm 1910, tuyến đường sắt nối cảng biển lớn nhất của Bắc Kỳ - Hải Phòng với Vân Nam (Trung Quốc) rộng lớn đã được hoàn thành và để đi từ Hà Nội đến Lao Kay chỉ mất 1 ngày. Sự thuận tiện này đã tạo cơ hội lớn lần thứ nhất để toàn bộ công chức viên chức, quân nhân Pháp đi nghỉ mát mùa hè ở Sa Pa, đồng thời là dấu mốc góp phần đưa Sa Pa trở thành một Khu nghỉ dưỡng núi của miền bắc Việt Nam và xứ Đông Dương.

Tuy nhiên, trong cả thập niên kể từ khi phát hiện ra Sa Pa, chính quyền dân sự và quân sự có nhiều tranh luận để xây dựng và phát triển Sa Pa như thế nào. Phía chính quyền quân sự muốn xây dựng một trung tâm điều trị và phục hồi chức năng cho binh lính bị thương. Còn chính quyền dân sự thì lại muốn một khu nghỉ mát dành cho tất cả mọi người. Công sứ Toures đã biết kết hợp hai mong muốn đó để tập trung vào một mục đích là phát triển khu nghỉ dưỡng Sa Pa. Để làm được điều đó, ông đặt Sa Pa trong chương trình tổng thể về phát triển du lịch của toàn xứ Đông Dương. Ngay từ năm 1914, mục tiêu này được nêu cụ thể: Xây dựng Sa Pa thành một khu nghỉ mát lý tưởng vào mùa hè của Bắc Kỳ. Vào mùa hè hằng năm, toàn bộ Dinh Thống sứ và các sở, ban ngành liên quan sẽ chuyển từ Hà Nội đến Sa Pa và lưu lại đây đến tháng 10 (từ xưa Pháp đã quy định các kỷ nghỉ trong năm dành cho người lao động).

Từ năm 1912, hình hài Khu nghỉ dưỡng Sa Pa bắt đầu được kiến tạo, các công trình bắt đầu được thi công, mở đầu cho sự phát triển của Sa Pa từ thời thuộc địa đến ngày nay. Giai đoạn từ năm 1909 -1912, người Pháp đã cho mở tuyến đường đi bộ nối nối Lào Cai với Sa Pa. Để phục vụ hoạt động của khu nghỉ dưỡng, người Pháp đã xây dựng 01 trạm phát điện ở Cát Cát có công suất 100kw. Năm 1912, Khách sạn Tào sứ quy mô lớn được xây dựng. Hàng loạt đồn điền, công sở, cơ sở hạ tầng ở trung tâm Sa Pa được hình thành. Năm 1915, cơ sở điều dưỡng đầu tiên được hoàn thành với khả năng đón nhận 40 quân nhân. Năm 1916, Hiệp hội khuyến khích du lịch ra đời. Ngay lập tức sau đó, người ta đã nhận thấy cần thiết phải xây dựng những cơ sở có sức chứa lên đến hàng trăm quân nhân. Tháng 1 năm 1919, Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut đã phê duyệt kế hoạch mở rộng khu điều dưỡng Sa Pa. Năm 1920, một khu điều dưỡng có quy mô lớn đã hoàn thành. Khu nghỉ dưỡng bao gồm 5 dãy nhà nghỉ với sức chứa khoảng 200 người. Ngoài ra còn có các khu chuyên biệt như bếp ăn, thư viện, tầu ngựa và một bốt canh có tới 60 binh lính và sỹ quan nhằm đảm bảo an ninh cho cả khu vực. Bên cạnh khu nhà nghỉ dành cho hạ sỹ quan là toà nhà trung tâm gồm 38 phòng tiện nghi dành cho các sỹ quan và 4 phòng sang trọng dành cho các tướng lĩnh. Ngoài ra, một số biệt thự riêng lẻ có tới 30 phòng tiện nghi dành cho các quân nhân có gia đình đi theo cũng được xây dựng.

Năm 1920 hệ thống bưu điện và bến xe khách đi vào vận hành. Từ năm 1924, một bác sĩ chuyên chăm sóc dịch vụ y tế cho Sa Pa cũng được chỉ định để thường trực tại Sa Pa trong suốt mùa nghỉ từ tháng 5 tới tháng 10 hằng năm; cũng trong năm này, tuyến đường bộ nối thị xã Lào Cai với khu nghỉ dưỡng Sa Pa được nâng cấp, đã rút ngắn thời gian đi lại giữa Lào Cai - Sa Pa chỉ còn 3 giờ bằng ô tô. Năm1925, Nhà thờ Sa Pa được xây dựng, cũng trong năm này thủy điện Cát Cát 100 kw do nhà thầu Vomousse được đầu tư, cùng năm đó nhà Đông Phương học Victo Gulubep công bố việc phát hiện bãi đá cổ Sa Pa ở Tả Van, Hầu Thào. Đến năm 1924 tuyến đi bộ Lao Kay – Sa Pa được mở rộng thành đường ô tô, năm 1930 tuyến đường này và các đường nội thị ở Sa Pa được giải nhựa. Năm 1930, hệ thống cung cấp nước sạch chính thức đi vào vận hành. Năm 1931, mạng lưới điện thoại hữu tuyến nối Sa Pa với thủ đô Hà Nội cũng được hoàn tất, du khách có thể đặt phòng nghỉ tại Sa Pa một cách nhanh chóng.

Những năm 1940: Khu điều dưỡng, nghỉ mát Sa Pa nổi tiếng khắp xứ Đông Dương.

Từ 1930 – 1940, dưới sự đầu tư của Pháp và các nhà tư bản thuộc địa, hệ thống các nhà nghỉ dân sự phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng đã được đầu tư khá mạnh, đặt nền móng cho khu nghỉ dưỡng núi Sa Pa dành cho du khách. Đầu tiên phải kể đến khách sạn Chapa được ông Miveille xây dựng trên phần đất thuộc trang trại của ông được cấp bởi Công sứ Lào Cai – ông Toures.  Năm 1929, nhà kinh doanh khách sạn Pháp Michel đã xây dựng một khách sạn hạng sang đầu tiên tại Sa Pa có quy mô lên tới 50 phòng với các trang thiết bị hiện đại có tên gọi là L’hotel Metropole, thuộc tập đoàn khách sạn Metropole có trụ sở tại Hà Nội. Năm 1937, một nhà đầu tư người Việt là Nguyễn Văn Kỳ đã nâng cấp một khách sạn nhỏ được xây dựng từ năm 1924 trở thành một khách sạn lớn có quy mô 32 phòng. Cũng trong năm này, khách sạn Trung tâm với quy mô 20 phòng do Jean Ernst Chaperon làm chủ sở hữu được đưa vào sử dụng. Những năm đầu thập kỷ 30, ở Sa Pa, bắt đầu xuất hiện các nhà nghỉ dưỡng do các tổ chức hoặc công ty đầu tư xây dựng dành cho công chức như: Tập đoàn Than Hồng Gai, Nhà máy Xi măng Porland Hải Phòng. Ngoài ra, ở Sa Pa thời kỳ này còn có rất nhiều các tòa nhà, biệt thự của các công chức, thương gia giàu có tự bỏ tiền ra xây dựng. Hệ thống các biệt thự này cũng góp phần mở rộng thị trấn Sa Pa. Tính đến năm 1943,  Sa Pa đã có khoảng 200 biệt thự do người Pháp xây dựng, trong đó biệt thự của Magne có quy mô lớn và trang bị hiện đại. Du lịch SA Pa phát triển rực rỡ so với các điểm nghĩ đưỡng khác trên toàn xứ Đông Dương.

Như vậy, những năm 1940 người Pháp đã hoàn thành quy hoạch, xây dựng Sa Pa thành nơi nghỉ mát, điều dưỡng khá lý tưởng, nổi tiếng khắp xứ Đông Dương. Ở đây có đầy đủ hệ thống thủy điện, trạm nước, dinh toàn quyền, tòa chánh sứ, sở than, kho bạc, kiểm lâm, hệ thống đường sắt kết nối Hà Nội – Lao Kay, mạng lưới đường nhựa kết nối Lao Kay – Sa Pa và đặc biệt là hơn 200 biệt thự theo kiểu phương Tây ở ngay trung tâm thị trấn, nằm xen giữa những cánh rừng đào và những rặng samu, làm cho phố núi nghỉ dưỡng Sa Pa mang nhiều dáng dấp của một thành phố châu Âu. (Xin mời đọc tiếp kì 3 - Sa Pa bi tráng và hồi sinh)

Phạm Tất Thành

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu