error image error image error image

Làm gì để khai thác và phát triển sản phẩm du lịch trên sông Chảy – Lào Cai?

09/12/2023 727 0
Sông Chảy là một trong những điểm đến yêu thích, là sản phẩm du lịch có tiềm năng, từng thu hút rất đông du khách đến đây tham quan, trải nghiệm. Tuy nhiên gần đây sản phẩm này gần như lụi tàn khiến bao du khách tiếc nuối khi đến Bắc Hà – Lào Cai

Sông Chảy đã từng là điểm đến hấp dẫn du khách

Sông Chảy – dòng sông xanh thẳm giữa núi rừng Lào Cai

          Sông Chảy là một con sông có khởi nguồn từ các nhánh suối thuộc sườn tây nam đỉnh Tây Côn Lĩnh và sườn đông bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi trên khối núi Tây Côn Lĩnh phía Tây Bắc tỉnh Hà Giang, sau đó chảy qua địa phận huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai. Trên đoạn này, khoảng 5 km của sông Chảy là biên giới Việt - Trung giữa tỉnh Lào Cai, Việt Nam với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Từ chỗ giáp ranh hai xã Tả Gia Khâu và Thào Chư Phìn của huyện Si Ma Cai, sông chảy theo hướng bắc - nam tới địa phận các xã Cốc Ly, Nậm Mòn, Bảo Nhai thuộc huyện Bắc Hà. Sau đó, sông chảy theo hướng tây bắc - đông nam qua địa phận xã Việt Tiến (huyện Bảo Yên) sông tiếp tục chảy vào địa phận các xã Minh Chuẩn, An Lạc và Tô Mậu của huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái. Trên đoạn sông này, Sông Chảy được ngăn lại bởi Đập thủy điện Thác Bà nên lòng sông mở rộng ra và nâng cao thành lòng hồ với chiều dài hơn 50 km.

          Tại Lào Cai, dòng sông Chảy trong xanh chảy giữa nhiều triền cỏ và cát trắng ven bờ, bao quanh bởi núi non trùng điệp kéo dài hơn 120 Km dọc các huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bắc Hà, Bảo Yên – tỉnh Lào Cai nên đã tạo thành rất nhiều tuyến điểm có tiềm năng du lịch, có khả năng khai thác phát triển trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của các huyện vùng Đông Bắc của tỉnh Lào Cai.

          Du lịch ở sông xanh theo cách gọi dân gian hay sông Chảy là một trong sản phẩm tiềm năng mới ở Lào Cai, ngay khi khai thác trở lại sau dịch covid 19, sản phẩm du lịch sông Chảy đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích, là sản phẩm du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, từng thu hút rất đông du khách đến đây tham quan, trải nghiệm (chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2023, đã có đến 14.000 luợt du khách tham quan đoạn sông Chảy – hang Tiên – Cốc Ly). Sau nhiều biến cố như thi công các tràn thủy điện, dịch covid, các quy định về quản lý hoặc đầu tư của các tổ chức cá nhân, sản phẩm du lịch từng bùng nổ trong những tháng đầu năm 2023 gần như lụi tàn khiến bao du khách tiếc nuối khi đến Bắc Hà – Lào Cai. Vậy nguyên do nào khiến sản phẩm du lịch tiềm năng này đi vào vòng thoái trào của một sản phẩm du lịch mới manh nha thu hút khách trở lại?

 

 

          Những nhân tố quyết định thành hay bại của du lịch sông Chảy

          Cũng giống như nhiều sản phẩm du lịch khác, sản phẩm du lịch trên sông Chảy có những nhóm nhân tố cấu thành không thể thiếu, đó là: (1) hệ thống dịch vụ, quản lý điều hành, (2) tài nguyên du lịch, (3) hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật.

Vòng đời của sản phẩm du lịch

          Về hệ thống dịch vụ, quản lý điều hành đầu tiên phải nhắc đến dịch vụ vận chuyển. Hệ thống các phương tiện phục vụ, hỗ trợ cho các hoạt động du lịch trong việc vận chuyển hàng hàng hóa, khách du lịch đến sông Chảy hiện nay chủ yếu là thông qua đường bộ. Du khách có thể đi xe tự lái hoặc xe khách, xe du lịch tới sông Chảy. Về dịch vụ lưu trú và ăn uống quanh khu vực sông Chảy còn khá đơn giản, chủ yếu phục vụ du khách ở mức độ thấp. Quanh khu vực Trung Đô, sông Chảy có một số homestay tuy nhiên đã dừng đón khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19 những năm 2019-2021. Hiện nay, đã có một số địa chỉ hoạt động lại với các dịch vụ phục vụ du khách như ăn uống, cắm trại, chèo kayak trong hang Tiên,… Về quản lý, hiện chưa có quy hoạch hoặc định hướng rõ nét về phát triển sản phẩm du lịch sông Chảy, chưa ban hành các quy định cụ thể đối với loại hình du lịch dựa trên sông Chảy hoặc các quy định quản lý đối với phương tiện, người lái, hướng dẫn du lịch trên sông Chảy còn nhiều bất cập. Về dịch vụ tham quan, hiện nay trên sông Chảy chưa có quyết định chính thức về phát triển du lịch sông Chảy cũng như các chương trình, sản phẩm du lịch dựa trên sông Chảy để khai thác, phát triển phục vụ du khách mà chủ yếu là khai thác tự phát. Các mặt hàng cũng chưa có sự đa dạng để phục vụ khách du lịch. Thiếu chương trình tham quan du lịch sông Chảy, thiếu hướng dẫn viên du lịch đường sông, thiếu các hoạt động dịch vụ bổ trợ tham quan trên sông khiến sản phẩm này đã khó càng thêm khó khai thác.

          Về hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, hiện hạ tầng lưu vực sông Chảy chưa hoàn thiện, ngoài quốc lộ 70 và các đường tỉnh lộ kết nối các địa phương, hạ tầng bến bãi dọc sông Chảy hầu như chưa được đầu tư; các tuyến đường liên xã đang tiếp tục được sửa chữa nâng cấp; hệ thống biển báo hay hậ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, việc thi công thủy điện hay việc đảm bảo an toàn mùa mưa lũ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các điều kiện phát triển du lịch sông Chảy. Hiện nay, ngoài hàng chục thuyền máy trên Thủy điện Cốc Ly phục vụ nhu cầu đi lại dân sinh, thì trên địa bàn xã Bảo Nhai hiện có 2 hợp tác xã tham gia vận tải du khách bằng đường thủy với tổng số khoảng 40 thuyền, ngoài ra còn có hàng chục thuyền của người dân địa phương tham gia đưa đón du khách. Các phương tiện này hầu như chưa đạt chuẩn hoặc chưa được đăng kiểm, chưa đáp ứng các quy định an toàn cho khách du lịch đường thủy nội địa.

          Về tài nguyên du lịch, sông Chảy bắt nguồn từ sườn Tây Nam đỉnh Tây Côn Lĩnh (cao 2.419 m) và sườn Đông Bắc đỉnh Chiêu Lầu Thi (cao 2402 m) trên khối núi thượng nguồn sông Chảy, phía tây bắc tỉnh Hà Giang. Đoạn sông Chảy đẹp và thường khai thác cho du lịch đường sông là mặt hồ thủy điện Cốc Ly hoặc đoạn sông Chảy từ thủy điện Cốc Ly về Trung Đô, Bảo Nhai, Lào Cai. Ở khu vực này, dòng sông uốn lượn theo địa hình khúc khuỷu của những dãy núi, có những đoạn hai bên bờ sông có đoạn là những vách đá thẳng đứng, suối thác trên đỉnh núi tuôn trắng trong mùa nước. Lại có những đoạn lòng sông mở rộng ra với tầm nhìn xa vút tận chân trời tạo nên cảnh quan thiên nhiên độc đáo, gây bất ngờ cho du khách. Du khách có thể bắt đầu cuộc hành trình du thuyền trên sông Chảy của mình từ xã Bảo Nhai ngược lên xã Cốc Ly hay ngược lại. Trong hành trình trải nghiệm khám phá trên sông Chảy, du khách còn được tìm hiểu về sự tích về Hang Tiên. Tục truyền rằng có 3 nàng tiên được Ngọc Hoàng cho đi thăm thú cõi trần. Thấy khu vực này phong cảnh tuyệt đẹp nên đã lưu lại vui chơi, không muốn về Trời. Ngọc Hoàng sai Thiên Lôi xuống trị tội. Ba nàng tiên trốn trong hang, nhưng bị Thiên Lôi dậm sạt một góc hang. Các nàng tiên biết là sẽ không thoát khỏi sự trừng phạt của Ngọc Hoàng nên đã tự vẫn, gieo mình xuống sông Chảy. Dân làng đã vớt xác và lập miếu thờ Ba Cô. Hiện nay khu vực này vẫn thuộc vùng hồ của thủy điện Bảo Nhai 2 nên tạo điều kiện cho thuyền bè đi lại dễ dàng, thuận lợi, thu hút khách du lịch lựa chọn ngắm cảnh.

          Tận dụng tối đa lợi thế đó, huyện Bắc Hà đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: lễ khao quân vào tháng 7 hàng năm; lễ hội xuống đồng đầu tháng Giêng; lễ hội đua thuyền, du lịch tâm linh gắn với đền Trung Đô; bảo tồn cảnh quan, bản sắc văn hóa dân tộc địa phương... nhằm tạo điểm nhấn thu hút du khách. Song song với đó, trong giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Lào Cai đã hợp tác cùng chuyên gia tư vấn du lịch vùng Aquitaine (CH Pháp) khai thác phát triển sản phẩm du lịch thể thao tổng hợp trên sông Chảy. Các sản phẩm khai thác trên tuyến là tiền đề cho phát triển du lịch thể thao tổng hợp (ba môn phối hợp triathlon, race-cation) và trong tương lai là các sự kiện du lịch thể thao tổng hợp hấp dẫn, thú vị hơn nữa. Đồng thời, năm 2023 Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai đã tổ chức nhiều chương trình khảo sát, nghiên cứu, hội nghị, hội thảo, cũng như các chương trình khai thác thử nghiệm, các giải du lịch thể thao tổng hợp kết hợp chạy bộ, đạp xe và chèo thuyền trên sông Chảy, đồng thời tổ chức nhiều chương trình famtrip để nghiên cứu các điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm phát triển du lịch sông Chảy, kết nối các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai.

          Cần làm gì để khai thác và phát triển du lịch trên sông Chảy – Lào Cai?

          Khảo sát và thống kê, lập hồ sơ tài nguyên du lịch sông Chảy là việc cần làm ngay, trên cơ sở đó tham mưu cho chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan triển khai Qui hoạch phát triển cẩn thận và lâu dài cho phát triển du lịch sông Chảy ở vùng Đông Bắc tỉnh Lào Cai. Nguy cơ của sự phá huỷ cảnh quan thiên nhiên bên dòng sông Chảy cũng đồng nghĩa với nguy cơ làm mất đi một trong những yếu tố cơ bản thu hút khách du lịch đến vùng Đông Bắc. Vấn đề qui hoạch về xây dựng kiến trúc nói riêng và qui hoạch tổng thể về tổ chức không gian phát triển du lịch hay các đô thị ven sông Chảy đã rất cần thiết, cần được qui hoạch sao cho gần gũi (hoặc nói cách khác là hoà mình) với thiên nhiên và văn hóa bản địa. Một sơ đồ qui hoạch đô thị và du lịch sông Chảy hợp lý kèm theo sự quản lý xây dựng theo qui hoạch được duyệt sẽ là bước đi căn cơ đầu tiên để thực hiện phát triển du lịch sông Chảy bài bản. Từ đó, đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất đáp ứng quy định, quy hoạch và nhu cầu phát triển du lịch của các địa phương.

          Tổ chức quản lý du lịch mạnh ngay ở giai đoạn đầu sẽ có khả năng hướng các hoạt động du lịch sông Chảy vào nền nếp, trong đó có cả việc phát triển xây dựng theo qui hoạch được phê duyệt, bảo vệ trật tự, an ninh và an toàn xã hội, thúc đẩy kinh doanh lành mạnh và tránh các hiện tượnhg vi phạm pháp luật trong kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ du lịch sông Chảy ... Bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, có thể thu hút sự tham gia của các nhà kinh doanh, đại diện của các hiệp hội du lịch, tổ chức phi chính phủ, đại diện các xã và các tổ chức quần chúng, của những người quan tâm tới phát triển du lịch bền vững dọc sông Chảy tham quan quản lý du lịch sông Chảy. Hiệp hội là nơi có thể tập hợp các nỗ lực của tập thể cũng như cá nhân để cùng nhau bàn bạc, đề xuất các biện pháp thích hợp, giúp cơ quan nhà nước tiến hành quản lý du lịch ngày một tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho người dân và cộng đồng tham gia rộng rãi vào quá trình kết hoạch hoá cũng như ra quyết định về các hoạt động có liên quan đến du lịch. Hiệp hội có thể là một trong những diễn đàn chính đảm đương chức năng giáo dục nhận thức, trách nhiệm của tất cả các tác nhân du lịch khác nhau trong việc bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc cũng như bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, dự thảo ban hành các nội quy tối thiểu về bảo vệ văn hoá và môi trường du lịch sông Chảy.

          Đầu tư các sản phẩm du lịch và tổ chức thêm các dịch vụ tham quan, giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch đến với sông Chảy. Nếu đối với khách nước ngoài, việc giữ nguyên những tiện ích sẵn có của thiên nhiên, gắn thiên nhiên và văn hóa trong đầu tư sản phẩm du lịch là quan trọng, thì đối với khách Việt Nam, việc cải tạo và làm cho hoạt động du lịch, tham quan trở nên tiện nghi hơn cũng như phải có nơi vui chơi giải trí sẽ làm cho du lịch sông Chảy tăng sức hấp dẫn hơn. Do quan niệm và mục tiêu du lịch của khách nước ngoài và trong nước là khá khác nhau nên cần có sự kết hợp hài hoà trong xây dựng sản phẩm, dịch vụ và tổ chức du lịch ở Bắc Hà sao cho có thể đáp ứng được nhu cầu của cả hai loại khách này. Đối với khách nước ngoài thì đi thuyền gắn với đi bộ và tìm hiểu đời sống đồng bào dân tộc thiểu số là mục tiêu chính, trong khi đa số khách du lịch trong nước đến chông Chảy với mục đích tham quan và giải trí.

          Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về du lịch sông Chảy. Theo đó, cần tổ chức các hình thức tuyên truyền, giáo dục rộng rãi cả đối với khách du lịch và trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức, góp phần giảm các tác động tiêu cực của du lịch đối với sông Chảy, với văn hóa bản địa bởi đó là vốn quý, là di sản và tài sản để đàu tư phát triển du lịch bền vững. Bên cạnh đó, cần hạn chế những tác động tiêu cực bằng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về đạo đức truyền thống của dân tộc, về ý nghĩa giữ gìn bản sắc dân tộc. Đồng thời, thúc đẩy sự tham gia của những người dân tộc thiểu số, người dân sinh sống quanh lưu vực sông Chảy vào hoạt động du lịch. Việc thu hút đồng bào dân tộc thiểu số tham gia và cộng đồng hưởng lợi từ các hoạt động du lịch sông Chảy là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc cải tạo nguồn thu nhập và nâng cao đời sống của một bộ phận đồng bào, giảm sức ép lên tài nguyên thiên nhiên, mà còn giúp người dân mở mang kiến thức, biết tính toán kinh doanh và hiểu biết hơn thế giới bên ngoài, tạo đà cho sự phát triển kinh tế, xã hội tiếp theo khi lợi ích từ đô thị và du lịch sông Chảy đủ lớn.

          Như vậy, để khôi phục sản phẩm du lịch trên sông Chảy, bên cạnh chủ trương đường lối, quy hoạch đúng đắn của Tỉnh, cần sự vào cuộc chủ động của các cấp chính quyền (các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, huyện Bắc Hà - tỉnh Lào Cai), cần những hành động cụ thể, có sự tham gia tích cực của các cơ quan chuyên môn (Sở Tài nguyên môi trường, Sở Giao thông – Xây dựng, Sở Du lịch, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch), cần xây dựng quy hoạch, định hướng bài bản; cũng như huy động sự tham gia đầu tư sản phẩm và đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch của các tổ chức, cá nhân tại địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá và truyền thông thì chắc chắn du lịch trên sông Chảy sẽ ngày một phát triển và tiến xa hơn nữa, khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch của tỉnh Lào Cai.

Phạm Tất Thành

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu