error image error image error image

Múa xòe Tà Chải (Bắc Hà)

30/12/2018 5433 0
Người Bắc Hà có câu “Muốn uống rượu ngon thì về Bản Phố. Muốn ăn thắng cố ngon đi chợ Bắc Hà. Muốn xem xòe đẹp thì về Tà Chải”. Tà Chải là cái nôi của xòe của toàn huyện, có năm đội xòe ở các thôn Na Kim, Na Pác Ngam, Na Lo, Na Lang và Na Hô

 Ðiệu xòe Tà Chải được tổ chức trong lễ hội Lồng Tồng hằng năm và các ngày vui của đồng bào Tày đã trở nên nổi tiếng. Lồng Tồng là lễ hội xuân của người Tày cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà... Mở đầu lễ hội là phần lễ, sau đó là phần hội với các trò chơi như ném còn, kéo co, đu quay, đẩy gậy. Và hội xòe là một phần đặc biệt không thể thiếu, luôn thu hút nhiều người tham gia nhất.

 Xòe có từ bao giờ mọi người ở Tà Chải đều không biết rõ. Chỉ biết là nó có từ xa xưa, lớn lên đã có xòe và nó đã ngấm vào máu thịt, hơi thở của từng người. Hội xòe không đơn giản chỉ là để giải trí, vui chơi mà ẩn chứa trong nó là những ý nghĩa sâu sắc. Điệu xòe là một lời cảm tạ của người dân với thần linh, tổ tiên, trời đất đã giúp cho mưa thuận gió hòa, đã cho cây lúa thành bông, đã cho cây có quả ngọt. Đây cũng là dịp trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, hẹn hò, tỏ tình lên duyên vợ chồng.

                Trong hội xòe âm thanh trầm bổng của tiếng kèn, tiếng trống nổi lên là cách bắt nhịp cho điệu xòe. Nó thôi thúc mọi người đến với vòng xòe, làm cho con người ta rạo rực, cái chân tự khắc tìm đến xòe. Một, vài chục người thì một vòng xòe, hàng trăm người trở lên có thể chia ra nhiều vòng hay xếp vòng trong vòng ngoài, tay trong tay, chân người nọ dịch bước theo chân người kia, say sưa theo nhịp trống chiêng lúc bổng, lúc trầm. Trong phút thăng hoa của vũ điệu truyền thống, sự rụt rè, ngượng ngập thường ngày biến mất, mọi người tự nhiên nhún bước theo vòng xòe ngày càng lan rộng, cuốn hút. Trong tiếng trống, tiếng chiêng, mọi người xích lại gần nhau, quây quần bên nhau, vui tươi và đầm ấm. Tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, nam nữ đều hoà mình vào những điệu xoè truyền thống trong tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn pí lè rộn rã.

                Xòe Tà Chải có nhiều điệu như: xòe chào khách, xòe khăn (the khăn), xòe bắt cá (pi ả), xòe cờ (the cơ), xòe chiêng (the chiêng), xòe đôi, xòe bốn, xòe vòng, xòe đập lúa (phặt khẩu), xòe nghiêng đầu (hiêng hô), xòe đập lưng(the tắp lắng, xòe một bước (the pa điếu), pa nhăm pa. Các điệu xoè đều mô phỏng theo hoạt động lao động sản xuất của đồng bào Tày nơi đây. Ví dụ, điệu xòe đập lúa dồn dập, náo nhiệt như thúc giục mọi người đi gặt lúa, gánh thóc về nhà, nhịp điệu nhanh hơn. Còn điệu xoè mò cá thì vòng xoè cứ đều đều xoay tròn khi chụm vào, khi tan ra như những động tác mò cá. Khi xòe người ta còn cùng hát to “Men men men ma men tập khẩu. Mí tập khẩu mí ma. Mi the ma mi pẻn. The the khẩu chính ma. The the ma chính khẩu. Pi noọng ơi. Ma men le chẩu the lo…”  là để cầu mong một mùa màng bội thu. (Đây là dân ca Tày, nghĩa là: Không về xòe, cây lúa không tốt/ Không múa, hạt lúa không về/Anh em trong làng ơi về xòe cây lúa mới tốt…). Ngoài ra xòe ở Tà Chải còn gắn liền với nghi lễ then. Xòe khăn kết hợp với đàn tính là hình thức độc đáo duy nhất được sử dụng trong nghi lễ hát then của người Tày, xã Tà Chải. Phần kết của hội xòe người ta đốt một đống lửa to, tất cả mọi người tay nắm chặt tay nhau cùng xòe bên ánh lửa bập bùng. Giữa không khí se lạnh của núi rừng, ánh lửa bập bùng như càng gắn kết mọi người lại, làm cho lòng người lại rạo rực, phấn chấn hơn.

Hiện nay, hội xòe của đồng bào Tày ở Tà Chải  được tổ chức đều đặn vào ngày rằm hằng năm đã tạo ra sân chơi vui vẻ, lành mạnh, ý nghĩa vào dịp Tết, quảng bá văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giúp mọi người hướng về cội nguồn dân tộc. Và xòe cũng đã trở thành điểm nhấn văn hóa hấp dẫn khách du lịch tới tham quan, tham gia, tìm hiểu nét đẹp văn hóa lễ hội.

Tố Uyên

相关文章

样品计划