1. Rau dớn
Rau dớn là loại rau mọc hoang dã tại những nơi ẩm ướt như bìa rừng và ven các dòng suối có hình dạng tựa như dương xỉ. Đây được coi là loại rau đặc sản, rau sạch không những được bán thường xuyên trong các chợ phiên Tây Bắc mà còn được người dân vùng xuôi ưa chuộng với cách chế biến rất đơn giản như làm nộm, rau dớn gà áp chảo hoặc rau dớn xào mẻ, thịt bò, …
Rau rớn thường được bà con hái tươi, bó thành từng bó nhỏ rao bán tại chợ
Trong y học, rau dớn vừa là một loại rau vừa là một loại thảo mộc dùng để chữa các bệnh phổ biến như cảm, ho, viêm họng… Theo Đông y, rau dớn còn là loại rau có tính mát, lợi tiểu, chống táo bón, rau có thể phơi khô để dành nấu nước uống giải nhiệt.
Nộm rau dớn là một trong những món ăn thanh mát, giải ngán được mọi người rất yêu thích
Hiện nay, tại một số huyện của Lào Cai, như Sa Pa, Bắc Hà, Văn Bàn… rau dớn xuất hiện trên bàn ăn của các nhà hàng, khách sạn và các homestay, phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách gần xa. Người dân địa phương rất tự hào khi giới thiệu với các thực khách về những món ăn hấp dẫn được chế biến từ rau dớn.
2. Rau tầm bóp
Rau tầm bóp vốn là loại cây dại thường mọc ở các nương rẫy mới đốt hoặc các thửa ruộng, bãi đất hoang. Sau khi phát hiện ra loài cây dại này có thể ăn được thậm chí có mùi, vị rất độc đáo và ngon miệng thì nó đã trở thành loại rau rất được các bà con ưa chuộng.
Rau tầm bóp
Rau tầm bóp có vị hơi đắng nhưng ăn xong sẽ thấy vị ngọt mát ở đầu lưỡi. Loại rau này có thể chế biến thành nhiều món: xào, nấu canh, luộc hoặc để làm rau lẩu cũng cực ngon.
Vì là rau dại nên tầm bóp thường lớn tự nhiên, không có hóa chất do đó rất lành tính. Ngoài ra, loại rau này còn có hiệu quả rất tốt cho việc chữa trị các bệnh dạ dày, giải nhiệt và trị mụn nhọt.
3. Rau thối
Ở khu vực rừng núi Lào Cai có một loại rau có mùi không được dễ chịu, đứng xa vài mét vẫn ngửi thấy mùi hôi nhưng khi ăn đều “nghiện”. Người dân địa phương vẫn gọi theo lối dân gian là “rau thối”, ngoài ra còn có tên pắc nam, phắc khỉ, rau rút rừng, ...
Rau thối được bày bán tại chợ phiên
Rau thối là cây dây leo, thân cây dài, có nhiều gai, mọc hoang trong rừng. Tháng 3 đến tháng 6 âm lịch hằng năm là thời điểm rau thối ngon nhất, cho nhiều lá non nhất, bà con thường hái phần ngọn, lá non để chế biến. Rau thối có thể chế biến thành các món hấp dẫn như xào trứng, rán trứng, xào măng hoặc xào tỏi... Rau thối ăn có vị béo, ngậy, bùi, càng ăn càng cuốn. Rau thối còn được bà con coi là vị thuốc chữa xương khớp, đau đầu, tiền đình hiệu quả. Những người bị đau đầu ăn loại rau này kiên trì có thể giảm cơn đau kéo dài. Ngoài ra, rau thối còn có tác dụng thanh nhiệt, giải độc.
4. Rau ngũ gia bì hương
Được ví như nhân sâm của người vùng cao, rau ngũ gia bì hương (người dân quen gọi là rau gai) thường hái tươi ngoài nương đem về xào với tỏi, sang hơn có thể băm nhỏ xào với trứng gà hoặc với thịt ngựa. Nhiều du khách đến Sa Pa hoặc Bắc Hà sau khi được thưởng thức món rau này rất thích thú bởi vị đăng đắng, ngọt ngọt và thơm hắc của rau tạo nên hương vị rất đặc biệt cho món ăn.
Món ăn ngon được chế biến từ ngũ gia bì
Ngũ gia bì hương rất tốt cho sức khỏe, có họ với sâm. Cây có nhiều tác dụng như chống oxi hóa mạnh, chống lão hóa và mệt mỏi, làm thuốc bổ nâng cao sức khỏe, tăng cường trí nhớ, chữa các bệnh dạ dày, tê thấp. Một số hoạt chất trong ngũ gia bì hương còn có khả năng kháng tế bào ung thư, kháng virus.
Ngọn ngũ gia bì hương được nhiều du khách miền xuôi tìm mua.
Riêng với bà con vùng cao, đây là “thần dược”, ăn vào có giấc ngủ tốt hơn, chỉ đơn giản là chế biến thành một món rau xanh đổi bữa trong thực đơn hằng ngày cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe.
5. Lá vón vén
Vón vén là loài cây dạng thân leo được mọc thành bụi, quấn lên các cây khác trong rừng. Quan sát kỹ sẽ thấy thân cây có màu hơi tía, lá có hình bầu dục, mặt trên lá xanh bóng, mặt dưới màu trắng bạc. Khi hái, lá vón vén tuôn ra rất nhiều nhựa trắng như sữa ở cuống lá mà nếu lỡ tay chạm phải thì rất dính tay.
Ngọn cây vón vén
Lá cây vón vén có vị chua chua, thường được dùng để nấu canh chua. Đặc biệt là dùng để nấu với cá hoặc ninh xương thì rất ngon. Lưu ý khi nấu lá giang thì bạn không nên dùng nồi nhôm, nên dùng các loại nồi inox, tráng men không gỉ.
Lá vón vén có dược tính rất cao, có tính mát, ăn vào có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, sát khuẩn rất tốt. Thảo dược này thường dùng để chữa một số bệnh như viêm đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi bàng quang, suy nhược cơ thể và sản hậu băng huyết.
Bích Ngọc