error image error image error image

Thưởng thức các loại bánh độc đáo của người Giáy vào dịp tết Nguyên đán

12/02/2024 320 0
Tết của người Giáy Lào Cai trùng với Tết Nguyên đán của người Kinh nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng, được thể hiện ở phần nghi thức, tập tục đón năm mới và đặc biệt là các loại bánh truyền thống trong dịp tết.

Ẩm thực của mỗi dân tộc thiểu số Lào Cai lại chứa đựng những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc riêng trong đó có món bánh truyền thống của người Giáy không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán.

Bánh chưng gù ngày Tết

          Để chuẩn bị cho ngày tết được đủ đầy, sum vầy, vào 15 tháng Chạp âm lịch hàng năm đồng bào dân tộc Giáy lại nhộn nhịp âm thanh giã bánh dày để đón Tết Nguyên đán. Người Giáy có câu “xi xịp há, xi xá siêng”  có nghĩa là bánh dày ngày 15 là bánh dày chờ đón tết. Qua ngày rằm cũng là lúc các bà, các mẹ chuẩn bị các gạo nếp, bột tẻ, gia vị, lá bánh để chuẩn bị làm các loại bánh để dâng cúng tổ tiên. Đối với người Giáy, dù giàu hay nghèo, ngày Tết phải có món bánh bỏng, bánh khảo, bánh chưng. Đây không chỉ là truyền thống mà còn là niềm vui đối với con trẻ.

Người Giáy sẽ không gói bánh chưng vuông như người Kinh mà chỉ gói bánh gù thuôn hai đầu và ở giữ có độ nhô cao hơn như hình cong của ngọn núi. Có hai loại bánh chưng, một loại gói bằng gạo nếp trắng nhân đỗ xanh và một loại  bánh chưng đen. Loại bánh chưng đen sẽ kỳ công hơn  bởi gạo sẽ được trộn với bột than của cây lúc lắc tạo cho bánh có độ thơm ngậy hơn và để được lâu hơn. Với nhân bánh là phần quan trọng không thể thiếu đó là đỗ xanh, thịt lợn, phải là thịt ba chỉ được ướp với gia vị và thảo quả nướng để tránh bị đầy bụng và nóng cổ. Ngoài bánh chưng truyền thống mà hầu hết dân tộc nào cũng có trong ngày tết thì với người Giáy Lào Cai vẫn giữ được truyền thống cách làm món bánh bỏng và bánh khảo trong ngày tết.

Bánh chưng đen

Bánh bỏng truyền thống dân tộc Giáy

Tất cả những loại bánh này đều được chuẩn bị từ tháng chạp. Với món bánh khảo công đoạn làm sẽ cầu kỳ nhiều thời gian. Gạo sau khi rang kĩ được đem nghiền thành bột mịn rồi mang đi "hạ thổ" khoảng 2 đến 3 ngày để bột nở ra. Đem bột trộn với đường phên hay còn gọi là đường đỏ đã được giã mịn và phải trộn đều với bột gạo cho có độ dính mới được. Sau đó, lấy thanh gỗ tròn cán qua cán lại cho bột nhuyễn, ngấm đường. Để tạo hình cho bánh người ta dùng khuôn hoặc chén con để đóng. Những chiếc bánh khảo ngọt thơm ngậy, thưởng thức bánh cùng trà rất hợp với tiết trời lạnh của đầu xuân.

Bánh khảo truyền thống dân tộc Giáy

Một món bánh cổ truyền của người Giáy không thể thiếu trong ngày tết nữa đó là bánh bỏng cách chế biến không hề đơn giản. Gạo để làm bánh bỏng được lựa chọn rất kỹ, phải là gạo nếp hạt to tròn, đều hạt, bánh mới ngon, mới đẹp. Sau khi đã lựa được gạo sẽ ngâm, vo sạch rồi đem đồ xôi chín và rắc bột gạo để tách các hạt xôi ra. Sau đó đem xôi ép cho dẹp hạt và hong gió cho hạt khô lại. Vào sáng mùng 1 hoặc mùng 2 tết sẽ đem ra rang rồi trộn với nước đường phên. Công đoạn làm nước đường rất khó cần kinh nghiệm mới tạo ra những đĩa bỏng có  chóp cao để đặt lên bàn thờ dâng cúng tổ tiên. Chiếc bánh bỏng thơm hương nếp, ngọt ngào vị đường phên làm từ mật mía, mang những hương vị thật đặc biệt.

Các loại bánh của đồng bào Giáy đều do chính họ làm ra, như vậy mới tạo ra sự tôn kính dành cho ông bà, tổ tiên. Cách làm bánh truyền thống này cũng được người già truyền từ đời này qua đời khác và được lưu truyền đến ngày nay.

Kim Anh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu