Chợ phiên Y Tý chẳng rõ có từ bao giờ, chỉ thấy đến nay vẫn cứ nguyên phong vị mộc mạc, dân dã như thời xa xưa, không bao giờ thấy chèo kéo, nói thách. Chợ Y Tý nằm ngay trung tâm xã, thường được họp vào ngày thứ 7 hàng tuần. Vào mùa hè thời tiết mát mẻ thì chợ họp sớm, từ 6 giờ đến 7 giờ sáng đã rất đông người, nhưng vào các mùa khác trong năm thì thường sau 8 giờ sáng mọi người mới ra chợ. Vì mỗi tuần chợ chỉ họp 1 lần nên hàng hóa được bà con ở đây chuẩn bị cẩn thận từ chiều hôm trước còn các loại rau xanh thì phải dậy từ 3,4 giờ sáng để hái và di chuyển mang ra chợ.
Quang cảnh chợ phiên Y Tý
Điều đặc biệt ngay khi đặt chân đến chợ, du khách sẽ thấy một bức tranh ngập tràn màu sắc văn hóa trên trang phục truyền thống của người Hà Nhì, Mông, Dao… ở khu vực cụm xã Y Tý, A Lù, Dền Sáng, Trịnh Tường tập trung về đây để trao đổi, mua bán các loại hàng hóa. Chỉ riêng việc ngắm nhìn các bà, các chị xúng xính váy áo xuống chợ, tìm hiểu về trang phục và ngôn ngữ các dân tộc khác nhau thôi, cũng đã là cả một trải nghiệm đáng nhớ. Trang phục của người Hà Nhì thường dễ nhận ra với màu xanh, đen hay màu chàm làm chủ đạo, trong khi trang phục của người Mông bắt mắt hơn với những màu sắc sặc sỡ. Trang sức của người Mông cũng nhiều chi tiết cầu kì hơn hơn, còn người Dao với trang phục màu đỏ và đen cùng vòng bạc có chạm khắc họa tiết trên bề mặt.
Ngoài trang phục bà con mặc trên mình thì trang phục được bày bán trong các gian hàng đã tạo nên một vẻ đẹp truyền thống ở chợ phiên Y Tý. Đó là những sản phẩm truyền thống của người vùng cao thêu dệt nên, gửi gắm cả vào trong đó quan niệm, nếp sống, thể hiện sự khéo léo của đôi bàn tay con người truyền lại qua nhiều thế hệ.
Sắc màu thổ cẩm tại phiên chợ Y Tý
Ai lên chợ phiên Y Tý dù chỉ một lần đều nhận thấy bên cạnh sắc màu thổ cẩm sặc sỡ thì sắc màu của các loại nông sản, đặc sản cũng là một đặc trưng của chợ phiên nơi đây. Với khí hậu đặc trưng cùng thổ nhưỡng khắc nghiệt không chỉ tạo ra một Y Tý với cảnh đẹp nên thơ mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các loại cây trồng, rau củ phát triển mang hương vị đậm đà, thơm ngon khó nơi nào có thể sánh nổi. Nào là rau xanh, củ quả bà con tự canh tác, trồng trọt hay các loại rau rừng, lá thuốc quý tốt cho sức khoẻ được lấy từ trên rừng già bên cạnh những ống cơm lam dẻo thơm, quyện vào hương vị khó quên của rượu ngô nồng nàn, những chai mật ong rừng đặc sánh, vàng ươm… Tất cả được gói ghém cẩn thận, chia thành từng bó nhỏ, chẳng cần cân đong đo đếm, được bày bán thô sơ trên mặt đất phủ tấm bạt nhỏ thể hiện rõ lối sống thật thà, chất phát và giản dị trong cuộc mưu sinh nơi núi thẳm suối ngàn. Còn một điều đặc biệt nữa ở chợ phiên Y Tý mà nếu tinh ý, du khách có thể dễ dàng nhận thấy việc mua bán ở đây thường hay bán theo đôi, theo cặp chứ ít bán lẻ cái một như những khu chợ truyền thống khác. Việc bán đôi ở chợ phiên có từ xa xưa, đây không phải là cách làm khó cho khách mua mà là xuất phát từ quan niệm nhân sinh được đồng bào gìn giữ từ bao đời nay. Đó là quan niệm về âm dương, về đôi lứa. Cái gì cũng phải đi đôi, có như vậy mới có sự phát triển một cách hài hòa.
Quầy hàng dung dị, độc đáo nơi chợ phiên vùng cao
Có lẽ chừng ấy thôi thì chưa đủ làm nên sự đặc biệt cho phiên chợ này. Không phải ngày nào chợ cũng được họp mà phiên chợ chỉ diễn ra vào duy nhất ngày thứ 7 trong tuần. Vì thế, sau một tuần lao động vất vả, chuẩn bị mọi thứ hàng hóa, nông sản, bà con lại xuống chợ như một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của họ. Ai xuống chợ cũng mang theo những thức hàng mà gia đình làm ra để mang bán tại chợ phiên. Thậm chí, có người không có hàng hóa mang theo vẫn dặt dìu xuống chợ phiên mỗi tuần. Người vùng cao xuống chợ như thể đi hội với bao điều mong đợi được trao đổi, giao lưu, mua bán. Các cô gái, chàng trai e thẹn trong những bộ trang phục đẹp nhất đến tìm người thương, các bà, các chị xuống chợ mua sắm đồ càn thiết, trẻ em cũng mặc váy mới, theo bà theo mẹ đi chợ ăn quà. Còn với đàn ông đến chợ để gặp gỡ uống với nhau đôi ba chén, ai nấy cũng say rượu bên bàn thắng cố cùng chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Vì thế không khí tại chợ phiên luôn đông vui, tấp nập dậy lên một sức sống xua tan đi cái giá lạnh và vắng vẻ nơi núi rừng miền sơn cước.
Các bà, các cô vui vẻ gặp gỡ nhau trong phiên chợ
Còn rất nhiều điều đặc biệt khác mà chỉ có thể đến tận nơi bạn mới cảm nhận được nét văn hóa đặc sắc của chợ phiên nơi đây. Với nhiều sự đầu tư, quy hoạch trong tương lai, chợ phiên Y Tý hứa hẹn sẽ mãi lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên cương Bát Xát, thực sự trở thành điểm đến của du khách.
Bài và ảnh Bích Ngọc