error image error image error image

Món ngon Bắc Hà nhất định phải thưởng thức

14/12/2020 13054 0
Bất cứ ai lên Bắc Hà (Lào Cai) cũng đều muốn thưởng thức thưởng thức các món ăn truyền thống, đặc trưng, thơm ngon, lạ miệng trên các cung đường nhỏ ven hồ Na Cồ, hay trong buổi chợ phiên tập nập. Hãy cùng khám phá những món ngon Bắc Hà mà bạn nhất định phải thưởng thức.

1. Bánh trưng đen

Ai có dịp lên thăm vùng đất cao nguyên trắng Bắc Hà hẳn sẽ không thể quên được hương vị bánh chưng đen của đồng bào Tày nơi đây. Nhìn bề ngoài, bánh chưng đen cũng gói bằng lá dong xanh nhưng không có hình vuông. Mà trưng đen của người Tày Bắc Hà lại được gói hình gù tròn dài nhìn giống bánh gù dân tộc Giáy. Nguyên liệu làm bánh cũng có nhiều thứ khá đặc biệt mang hương vị vùng cao: Lúa nếp nương, thảo quả, thịt lợn đen, đỗ xanh và đặc biệt là màu đen của bánh được tạo ra từ than gỗ của cây lúc lác trên rừng. Than núc nác sau khi giã nhỏ, sàng sảy nhiều lần cho thật mịn, người gói bánh sẽ mang bột than trộn lẫn với gạo để tạo mầu đen là được. Để làm gia vị cho nhân bánh chưng đen thì không thiếu quả thảo quả,  thảo quả được nướng hoặc rang lên cả vỏ và hạt giã nhỏ sàng lấy bột mịn trộn với thịt ba chỉ làm nhân bánh với một lượng vừa đủ để tạo mùi thơm đặc trưng cho bánh. Trước khi luộc, bánh được mang ngâm qua nước lạnh một lần, xếp vào nồi, đổ nước cho ngập mặt lá. Thường bánh chưng đen sẽ được nấu trong khoảng 8 đến 9 tiếng là được.

Ngày trước, loại bánh này chỉ xuất hiện tại những ngày lễ, Tết, giỗ chạp… nhưng nay đã trở thành món ăn phổ biến mà bất cứ ai khi tới Bắc Hà -Lào Cai đều muốn mua về làm quà tặng người thân, bạn bè hay thưởng thức ngay tại chỗ.

2. Phở hồng Bắc Hà

Gọi là phở hồng vì bánh phở được làm từ hạt gạo nương hồng – một thứ gạo đặc sản ở vùng đất này, chỉ trồng được một vụ trên nương cao, nơi có khí hậu lạnh gần như quanh năm. Bánh phở được làm từ nguyên liệu gạo nương hồng nên khi tráng lá bánh có màu hồng, tráng đến đâu làm phở đến đó nên bánh phở dai mềm và rất ngon. Khi ăn món phở có thể chọn phở gà chan hay phở gà, phở xá xíu trộn với nước chua, một loại nước chua từ dấm nuối hoặc nước dưa chua ăn rất tuyệt, khách có thể ăn kèm với rau húng ruộng đặc trưng ở vùng cao, thêm đậu xị và tương ớt lại càng hấp dẫn hơn. Cũng có người chọn cách ăn phở cuốn, cuộn tròn cả sau đó cắt thành từng khúc và chấm với nước dùng ăn kèm xá xíu, đậu xị, rau thơm tùy ý.

Chính những nguyên liệu này đều được làm ra từ bàn tay chăm chỉ của người dân vùng này, được trồng cấy, nuôi dưỡng từ nguồn nước trong khe núi và được tắm tưới bởi không khí trong lành của miền sơn cước đã làm nên bát phở hồng lừng danh, khiến ai đã một lần ăn đều không thể quên được hương vị đó.

3. Xôi ngũ sắc ( xồi màu từ lá cây)

Người ta nói rằng, khi tới với Bắc Hà thì món ăn không nên bỏ qua đó là món xôi ngũ sắc. Thứ xôi kỳ lạ không chỉ dẻo, thơm mà màu sắc cũng rất bắt mắt với năm màu chủ đạo: Xanh, đỏ, tím, vàng, trắng – là màu của các loại lá rừng, đặc sản chỉ vùng cao mới trồng.

Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm có gạo nếp thơm dẻo được trồng ở Bắc Hà, là loại hạt gạo to tròn không lẫn chút gạo tẻ. Gạo nếp sau khi vo xong tiến hành ngâm trong nước lã từ 6 - 8 giờ, tiếp đó, gạo nếp được chia thành 5 phần đều nhau để nhuộm màu nước lá tím, xanh, đỏ, vàng, phần mầu trắng để gạo. Thông thường, người dân ở đây sẽ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ để tạo màu đỏ gạch cho gạo nếp. Màu xanh dùng lá gừng, lá giềng, màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước còn màu tím sẽ dùng lá mầu tím rất thơm và nhiều vị thuốc trong đó.

Xôi ngũ sắc thường xuất hiện trong những mâm cỗ cúng cưới hỏi, lễ hội đầu năm vào nhà mới… Đồng bào ở đây quan niệm, trong những ngày này, nhà nào pha chế màu xôi chuẩn, bắt mắt thì nhà đó sẽ có nhiều may mắn, hạnh phúc trong năm mới.

4. Khâu nhục

Nguyên liệu để làm món khâu nhục gồm có: thịt lợn ba chỉ, húng lìu, ngũ vị hương, địa liền, tỏi, ớt, rượu, dấm, bột ngọt, hạt tiêu…Khi chế biến món này, phải dùng thịt lợn ba chỉ tươi ngon, cắt thành miếng vuông, khổ  rửa sạch cho vào nồi luộc kỹ. Thịt chín vớt ra để nguội. Cạo sạch phần bì của miếng thịt, dùng vật nhọn châm vào bì thật kỹ, khi thấy bì chảy mỡ ra thì lau sạch, lấy rượu hoặc dấm bôi vào lớp da bì đó cho thấm đều. Tiếp theo cho thịt vào chảo mỡ nóng chao (rán) sao cho vàng đều mới vớt ra. Khi rán xong, thịt được vớt ra để ráo mỡ, thái thành từng miếng to bản có độ dày khoảng 1,5 cm, sao cho miếng nào cũng có da. Tiếp tục ướp gia vị vào những miếng thịt vừa rán, dùng tay trộn đến khi gia vị ngấm mới xếp thịt thành hình tròn. Lúc này, phần bì ở dưới đáy bát, phần thịt quay lên phía trên. Đưa vào nồi hấp cách thuỷ khoảng 6 đến 8 tiếng để lửa liu riu, đến khi thịt mềm nhừ. Úp bát to lên trên đĩa và lật lại để nguyên đĩa khâu nhục sẽ chín mềm nhưng không nát, vẫn giữ nguyên hình dạng khum tròn đẹp mắt, với phần bì vàng rộm được đảo lên trên. Ăn nóng với cơm, xôi nếp, hoặc bánh trưng thì không gì tuyệt vời bằng.

5. Thắng cố

Thắng cố là món ăn truyền thống của dân tộc Mông ở Bắc Hà. Tuy nhiên theo năm tháng món ăn này được hầu hết các tộc người bắt trước và biến tấu đi nhiều. Tuy nhiên nó vẫn mang hương vị và nguyên liệu đặc trưng là nội tạng, xương của ngựa, bò. Thắng cố được nấu kèm với rất nhiều những loại thảo dược như hồi, thảo quả, quế, ngũ vị hương… thường tại các buổi chợ phiên thì người ta nấu thắng cố trong một cái nồi lớn cho hàng chục người ăn, ninh nhừ trong vài giờ đồng hồ, khi ăn thì múc ra những tô nhỏ. Ăn thắng cố nhâm nhi cùng ly rượu ngô, rượu táo mèo chắc chắn sẽ mang lại cho du khách một trải nghiệm thú vị khó quên.

Đa số các nhà hàng đều “biến tấu” món ăn này thành nhiều phiên bản khác nhau để hợp với khẩu vị của du khách khách hơn nhưng vẫn dựa trên công thức và thành phần thịt và thảo dược. Để có thể trải nghiệm hương vị truyền thống của người dân tộc, bạn có thể ghé qua chợ phiên Bắc Hà họp Chủ nhật hàng tuần từ sáng sớm đến 2 giờ chiều.

6. Rượu ngô Bản Phố

Đến với Bắc Hà, chắc hẳn du khách sẽ không thể quên hương vị của rượu ngô Bản Phố. Đó không chỉ là vị cay của rượu, vị nồng của ngô mà còn là hương vị núi rừng, men say tình người. Để có được thứ rượu đặc sản này, người dân nơi đây phải mất khá nhiều thời gian và công sức chế biến. Ngô sau khi thu hoạch mang về nhà phơi thêm 1, 2 nắng nữa rồi chất lên gác bếp bảo quản. Khi nấu rượu thì mang ngô xuống tẽ hạt, loại bỏ những hạt lép, thối, chọn những hạt to, mẩy đem luộc. Lưu ý khi luộc ngô là đun lửa đều, vừa phải cho sôi nhiều lần trong khoảng 24 tiếng đến khi hạt ngô chớm bung thì vớt ra để hơi ấm hoặc nguội hẳn rồi đem ủ men.

Men rượu chính là bí quyết để tạo nên đặc trưng của rượu ngô Bắc Hà. Đó là loại men lá hồng my, thân giống cây cỏ mần trầu, hạt màu đen nhỏ li ti, giống hạt kê. Hạt hồng my để làm men được xay nhỏ như bột rồi trộn với nước rượu đầu và nước sôi nhào thật nhuyễn, nắm thành từng quả đặt trên rơm phơi ở nơi thoáng gió, ít nắng đến khi khô trắng thì gác lên bếp hoặc treo trên sàn để dùng dần.

Rượu ngô Bản Phố có màu trong như nước suối, có mùi thơm nồng. Lúc mới uống, khách sẽ cảm nhận vị tê tê cay nồng, rượu trôi xuống họng thì vị nóng lan tỏa khắp cơ thể. Sau đó là một cảm giác rất êm dịu chứ không bị sốc hay bị chua, gắt. Đặc trưng của rượu ngô Bản Phố càng ủ càng thơm ngon.

Bên cạnh các món ẩm thực truyền thống độc đáo và hấp dẫn kể trên, đến Bắc Hà du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực truyền thống khác của người dân địa phương như: Bánh đúc ngô, khẩu rang, mèn mén, lạp sườn, thịt treo gác bếp, cốm, tương ớt... Đó là những sản vật tinh túi của vùng cao Bắc Hà nói riêng cũng như cả vùng Tây Bắc Lào Cai nói chung. Hành trình khám phá món ngon Bắc Hà sẽ là điều lựa chọn cho du khách ưa thích ẩm thực vùng cao.

Kim Anh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu