error image error image error image

Xuân về khám phá các lễ hội hấp dẫn ở Lào Cai

23/12/2020 3819 0
Khám phá các lễ hội xuân tại Lào Cai

Lễ hội Gầu tào (Say sán) của người Mông

Lễ hội Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông ở Lào Cai, được tổ chức vào mùa xuân. Đây là lễ tạ ơn thần linh đã ban phúc, ban lộc cho gia đình người Mông. Trên địa bàn tỉnh Lào Cai lễ hội Gầu Tào thường được tổ chức ở Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải.

Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hàng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp. Sau khi làm lễ cúng tế cầu mong trời đất cho sức khoẻ, mùa màng bội thu, mọi người toả ra các ngọn đồi thấp hoặc bãi ruộng bằng chung quanh chơi xuân.Các thiếu nữ Mông trong trang phục rực rỡ sắc màu tái hiện phong tục, tập quán và văn nghệ dân gian của dân tộc mình. Sôi động và tưng bừng nhất là khu thi đấu các môn thể thao truyền thống dân tộc Mông. Các chàng trai so tài cao thấp, thể hiện sức khoẻ, bản lĩnh và trí tuệ của người miền sơn cước.

 Lễ hội hát qua làng người Dao Tuyển – Bảo Thắng

Lễ hội “Hát qua làng” ngày xuân để mời làng bản quanh vùng tới thi hát để cầu mong mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình bình an, hạnh phúc. Lễ hội thường được tổ chức vào ngày mùng 5 tháng Giêng. Tại đây, không kể già, trẻ, trai, gái, mọi người thi hát đối đáp nhau qua các làn điệu như: Chúc năm mới, chúc phúc gia đình, giao duyên… Đặc sắc nhất là màn thi hát đối về mùa xuân, tình yêu lứa đôi. Nhờ những đêm ngày thi hát giao duyên đầu xuân mà đã có nhiều cặp trai gái thành duyên vợ chồng.

Sau lễ hội còn có các hoạt động thi đấu thể thao như ném còn, đẩy gậy, kéo co… vô cùng sôi động.

Lễ hội Xòe người Tày

Hội Xòe Tà Chải được tổ chức vào ngày 05/1 Âm lịch tại một số xã như Tà chải (Bắc Hà), Thành Phú (Sa Pa)…  Đây là hội xuân của người Tày cầu cho mùa màng tươi tốt, thóc gạo đầy nhà. Nghi lễ khá đơn giản với một mâm lễ vật tại chân cây nêu to, biểu thị lòng thành kính của dân bản đối với Thần Nông vị thần cai quản ruộng nương. Sau khi thầy cúng làm lễ cầu khấn, cả làng cùng tham gia múa xoè trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã với nhiều điệu đặc sắc: xòe tập hợp, xòe đôi, xòe bốn, xòe chào... Các điệu múa Tày, múa xuống đồng, múa địu, múa gieo hạt, múa thu hoạch, múa lên nương... thể hiện những nét uyển chuyển, quyến rũ. Các tiết mục ca hát ca ngợi Ðảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước đổi mới, đặc biệt là hát giao duyên tình yêu lứa đôi, hẹn hò nghe bồi hồi, xao xuyến. Trong lễ hội, trai gái gặp nhau làm quen, tìm hiểu, thử tài nhau qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, tỏ tình, hẹn hò nhau trong các buổi chợ phiên...

Lễ hội Xòe không chỉ trở thành điểm hẹn giao lưu đoàn kết các dân tộc mà còn là lời mời gọi du khách gần xa.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu