Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của người dân tộc Mông ở Sa Pa là một trong những kỹ thuật được sử dụng từ lâu đời, không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú, sống động của người Mông và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục thổ cẩm truyền thống.
Nghệ nhân dân tộc Mông vẽ hoa văn bằng sáp ong
Để tạo lên một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh và đẹp mắt, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: Se lanh, dệt vải bằng khung cửi, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi…Công đoạn nào cũng quan trọng, trong đó khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục được đúc kết qua nhiều thế hệ. Ngoài ra công đoạn này cũng đòi hỏi óc sáng tạo và sự tinh tế để tạo ra những hoa văn đẹp mắt và liên kết với nhau. Đầu tiên là khâu chọn sáp ong, sáp ong có 2 loại (màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già), sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ, thì sáp mới không bị khô. Bút để vẽ thực chất là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10 cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ. Khi vẽ phải giữ sao cho lượng sáp luôn chảy đều cho đến hết mới chấm bút vào sáp để tiếp tục nét vẽ. Vẽ xong hoa văn thì đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó vải được nhuộm chàm và đem phơi khô sau đó mới tiếp tục các công đoạn khác như thêu chỉ màu, và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.
Dụng cụ vẽ sáp ong
Những họa tiết vẽ sáp ong trên trang phục người mông rất đơn giản như hình vuông, tam giác, hình tròn, các đường thẳng song song, zíc zắc, hình xoắn ốc hay hoa bí, hoa hồi, khung quay sợi…Nhưng lại ẩn chứa trong nó lag rất nhiều giá trị. Người Mông gửi gắm vào các nét vẽ những nét đặc sắc của thiên nhiên, cuộc sống thường ngày, những ý niệm về vũ trụ, thế giới xung quanh hay khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Có nhiều hoa văn mang giá trị riêng, được vẽ và thêu lên các đồ dùng khác nhau và dùng cho mục đích khác nhau. Ví dụ như: Hình hoa bí (được người Mông hay sử dụng và nó là thực phẩm quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của người Mông) được vẽ sáp ong và thêu lên váy, hay khăn tay để tặng người yêu. Hình hoa hồi được vẽ và thêu trên vải dùng trong ngày cưới hoặc chăn đắp cho người chết. Mô hình quay sợi được vẽ và thêu nên váy, ví, khăn quàng và chăn…
Họa tiết in sáp ong
Ngày nay, khi ngày càng có nhiều du khách đến tham quan và lưu trú tại các bản làng. Phụ nữ người Mông đã truyền dạy những kỹ năng, kỹ thuật vẽ sáp ong trên vải lanh cho du khách, một hình thức vừa để quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc về văn hóa trên trang phục truyền thống của mình cũng như có thêm nguồn thu nhập. Còn du khách thì được biết thêm về kỹ thuật vẽ sáp ong truyền thống, được tự tay thiết kế, sáng tạo cho mình một món quà lưu niệm theo phương thức mới trên chất liệu truyền thống của người Mông. Chỉ mất khoảng 2-3 tiếng buổi chiều (với chi phí khoảng 200,000đ) dưới sự chỉ dẫn tận tình của những người phụ nữ Mông lành nghề là bạn đã có thể hoàn thành một bức vẽ sáp ong trên mảnh vải lanh (kích thước 30x30cm), những công đoạn còn lại như nhuộm chàm, phơi khô thì chủ nhà sẽ làm giúp bạn. Sáng sớm ngày hôm sau bạn sẽ nhận lại được tác phẩm mà mình đã tự tay làm trong niềm phấn khích, như là một món quà kỉ niệm thật ý nghĩa.
Khách du lịch trải nghiệm vẽ sáp ong
Những bộ trang phục truyền thống trên chất liệu vải lanh với họa tiết được vẽ từ sáp ong, nhuộm chàm tự nhiên ,thêu tay tỉ mỉ, màu sắc hài hòa được khoác trên mình những thiếu nữ người Mông xinh đẹp như làm cho bức tranh tổng thể của du lịch Sa Pa thêm phần sinh động và hấp dẫn du khách đến với các bản làng có người Mông sinh sống như Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào… để tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hòa nhập cùng cuộc sống thường ngày của bà con, trải nghiệm vẽ sáp ong truyền thống của người Mông. Và còn rất nhiều, rất nhiều những diều thú vị khác nữa đang chờ đón các bạn.
Tố Uyên