1. Phở chua Bắc Hà
Phở chua Bắc Hà là một món ăn truyền thống rất thích hợp cho những ngày khí hậu nóng. Bánh phở Bắc Hà không có màu trắng như thường thấy mà có màu hơi nâu, do được tráng từ loại gạo đỏ đặc biệt của địa phương, trồng ở xã Lùng Phình. Bánh phở được làm hoàn toàn thủ công nên vẫn giữ nguyên được hương vị thơm đặc trưng của gạo nương. Để chế biến phở chua, nguyên liệu không thể thiếu được là dưa chua; rau xanh (rau xà lách, rau húng) thái nhỏ; lạc vừng rang giòn, giã vừa nhỏ; một ít đậu xị cho thêm hương vị đặc trưng. Với phở chua, yếu tố quyết định vị ngon chính là nước chua. Nước chua được lên men từ chuối. Nước sạch đun sôi cho vào chum sành. Để tạo màu cho nước dùng người ta cho vào chum một ít đường đỏ ngay từ khi nước còn nóng. Khi nước đã nguội, thả vào trong chum mấy quả chuối tiêu chín trứng quốc đã bóc sạch vỏ. Cuối cùng, dùng túi linon bọc kín miệng chum lại để cho các nguyên liệu lên men tự nhiên. Khoảng nửa tháng sau, khi nguyên liệu lên men đủ độ là có thể đem ra dùng. Lúc này, nước trong chum đã có đủ hương vị: màu vàng của đường đỏ, vị chua của chuối chín lên men, vị ngọt từ đường,… đó là thứ nước dùng độc đáo của phở chua. Đây là cả một quy trình khắt khe, mà chất lượng của nước chua phụ thuộc rất lớn vào tay nghề của người làm.
Bánh phở truyền thống
Món phở chua với hương vị thơm ngon hấp dẫn
2. Rau đặc sản Sa Pa
Sa Pa có rất nhiều nhiều loại rau ngon đặc sản vào mùa hè như su su, củ khởi, rau đậu hà lan…Rau su su Sa Pa ăn rất giòn, ngọt và thơm hơn những ngọn su su được trồng ở những nơi khác. Rau củ khởi có vị hơi đắng ở đầu lưỡi, nhưng sau có vị ngọt bùi đọng lại và với mùi thơm đặc trưng nên đã trở thành thứ rau đặc sản. Rau thường được nấu với nước xương hầm hoặc thịt băm. Đặc biệt, canh củ khởi đã được biết đến là thứ rau rất tốt cho sức khỏe phụ nữ, trẻ em nên được rất nhiều người tìm mua.
Rau Su Su Sa Pa
Một trong những loại rau ngon được nhiều du khách yêu thích là rau đậu Hà Lan. Với khí hậu mát lành, Sa Pa rất thích hợp để trồng loại rau này và cho những ngọn rau tươi ngon. Rau với màu xanh non, mềm, thường được dùng để nấu canh với thịt băm hoặc xương hoặc đơn giản chỉ là nấu suông cũng ngon vô cùng.
Rau đậu Hà Lan
3. Đào Sa Pa
Mùa Đào Sa Pa thường kéo dài từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5, vì vậy tháng 4 là lúc đào chín rộ nhất. Đến Sa Pa chỗ nào bạn cũng có thể bắt gặp những người bản địa đang bán những quả đào tươi ngon, giòn. Đào Sa Pa ăn thơm giòn tự nhiên, có vị hơi chua chua. Quả đào Sa Pa nhỏ, chỉ bằng nắm tay vỏ có lông tơ mềm như nhung, vị quả hơi chua, thơm giòn, cùi thịt có thể trắng hoặc vàng.
Những trái đào Sa Pa chín mọng, tươi ngon
4. Mận Tam hoa Bắc Hà
Mận Tam hoa đã trở thành biểu tượng du lịch của Bắc Hà, với mùa xuân hoa mận nở trắng rừng, mùa hạ trái chín đỏ rực trên cành như mời gọi. Mận Tam hoa Bắc Hà bắt đầu chín từ đầu tháng 5, nhưng chín rộ nhất là vào đầu tháng 6. Ghé thăm Bắc Hà dịp này, bạn sẽ được “no con mắt” với mận, khắp nơi là cảnh mua bán tấp nập. Mận Tam hoa Băc Hà quả tròn to, cùi dày, hạt nhỏ. Mận xanh có vị chua dôn dốt ăn chấm muối cũng ngon, khi chín có màu đỏ tươi đến đỏ đậm, vị giòn và ngọt.
Những trái mận chín đỏ mọng thơm ngon
Còn chần chừ gì nữa, hãy lên kế hoạch trải nghiệm những món ngon mùa hè Lào Cai ngay từ bây giờ bạn nhé.
Nguyễn Thủy