error image error image error image

Tổng quan về các dân tộc Bắc Hà

19/10/2021 4886 0
Bắc Hà xuất phát từ cụm từ tiếng Tày "Pạc ha" nghĩa là "trăm bó gianh". Thời thuộc Pháp, người Pháp ghi lại âm Pạc ha bằng chữ cái latinh thành Pakha. Người Việt đọc chệch thành Bắc Hà và từ đó Bắc Hà trở thành tên gọi chính thức của vùng đất này.

Bắc Hà có diện tích 681 km², dân số của trên địa bàn toàn huyện trên 50% là 67.035 người (tính đến hết 2020). Trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tới trên 81,3%, dân tộc Tày có 6825 người, dân tộc Mông có 31297 người, dân tộc Dao có 9431 người, dân tộc Nùng có 5676 người, dân tộc Phù Lá có 2099 người, dân tộc La Chí 646 người.

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng… Chính những nét đặc sắc của từng dân tôc đã góp phần giúp cho Bắc Hà trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

  1. Dân tộc Mông

Mông là một trong những dân tộc thiểu số có dân số đông nhất ở Bắc Hà. Người Mông là cư dân trồng trọt, rất thạo nông nghiệp, họ sống trên đỉnh núi cao và có hai hình thức canh tác là làm nương rẫy và trồng lúa nước. Họ biến những sườn đồi, sườn núi thành những thửa ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Người Mông có tập quán cư trú tập trung, rất ít khi sống xen kẽ với các dân tộc khác. Nhà của người Mông bao giờ cũng dựng trên các triền núi, được làm bằng đất trình tường. Do sinh sống ở vùng khí hậu lạnh nên nhà của người Mông thường thấp và không có cửa sổ, ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Người Mông cho rằng mọi vật đều có linh hồn và ngôi nhà cũng như vậy. Trong ngôi nhà có thần cửa, thần cột, thần bếp, ma nhà để bảo vệ người Mông trước mọi thế lực.

Người Mông là dân tộc theo chế độ phụ hệ. Tính phụ quyền trong gia đình người Mông rất mạnh, người đàn ông đóng vai trò quyết định mọi việc trong gia đình và là người thừa kế tài sản trong gia đình. Người phụ nữ không được thừa kế tài sản trong gia đình, khi lấy chồng thì thứ tài sản duy nhất người con gái được mang về nhà chồng là những đồ trang sức bằng bạc và váy áo. Đối với người Mông thì thiết chế dòng họ đóng vai trò rất quan trọng. Trong một họ bao giờ cũng có một người trưởng họ, mỗi khi có vấn đề gì xảy ra trong làng thì người ta có thể tìm đến người trưởng họ là người am hiểu luật lệ, lí lẽ nhất trong họ đó.

  1. Người Tày

Người Tày ở Bắc Hà sống tập trung ở một số xã như: Tà Chải, Bản Liền. Là cư dân nông nghiệp có truyền thống làm ruộng nước, từ lâu đời đã biết thâm canh và áp dụng rộng rãi các biện pháp thuỷ lợi. Ngoài lúa nước người Tày còn trồng lúa khô, hoa màu, cây ăn quả... Chăn nuôi phát triển với nhiều loại gia súc, gia cầm. Trong các ngày tết, ngày lễ thường làm nhiều loại bánh trái như bánh chưng, bánh giày, bánh gai, bánh dợm, bánh gio, bánh rán, bánh trôi, bánh khảo...

Bộ y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không thêu thùa, trang trí. Ngôi nhà truyền thống của người Tày là nhà sàn, lợp ngói, tranh hay lá cọ. Xung quanh nhà thưng ván gỗ hoặc che bằng liếp nứa.

Người Tày có những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo như nghệ thuật Xòe (The), đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2015. Trong năm người Tày có nhiều nghi lễ quan trọng, đặc biệt vào đầu năm có lễ hội Lồng Tồng (xuống đồng) thu hút đông đảo du khách và ngươi dân trong vùng tham gia. Trong nhiều nơi tổ chức ném còn, kéo co, đánh đu, bắn nỏ…

  1. Người Nùng

Người Nùng ở Bắc Hà thuộc nhóm Nùng Dín. Cũng giống như người Tày, người Nùng cũng là cư dân nông nghiệp, trồng lúa nước và canh tác nương.  Người Nùng ở Bắc Hà mặc áo năm thân màu chàm và quần, áo ngắn đủ che mông, áo được may rất rộng cả phần thân và tay, giúp cho cử động được thoải mái. Vào ngày lễ phụ nữ Nùng mặc váy.

Trong năm có 2 tết lớn nhất trong năm là tết Nguyên đán và tết 14/7. Ngoài ra, đồng bào còn ăn tết vào các dịp: mùng 3/3 - tết Thanh minh; mùng 5/5 - tết Đoan ngọ.

Đồng bào Nùng có tổ chức mừng sinh nhật, không có tục giỗ, thông thường những người từ 60 tuổi trở lên được tổ chức lễ sinh nhật.

Người Nùng nổi tiếng điệu múa ngựa. Trước kia, người Nùng Dín chỉ múa ngựa giấy trong đám hiếu, thể hiện sự biết ơn của người đang sống với người đã mất.  Ngày nay, điệu múa ngựa giấy còn được biểu diễn trong những dịp vui, như ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, lễ hội, tết cổ truyền.

  1. Người Dao

Người Dao ở Bắc Hà chủ yếu là người Dao Đỏ, cư trú ở xã Nậm Đét. Trong năm có nhiều nghi lễ, đặc biệt là lễ Nhảy Lửa vào đầu năm mới, lễ cấp sắc vào cuối năm. Lễ Nhảy Lửa là dịp để người dân tạ ơn tổ tiên, cầu chúc cho mùa màng tươi tốt và cuộc sống no đủ, thường được tổ chức trong đêm vào dịp đầu năm mới và được tổ chức theo dòng họ, do trưởng họ chủ trì. Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng trong đời người, đánh dấu sự trưởng thành của của người đàn ông. Nếu như chưa tổ chức lễ cấp sắc thì người đàn ông dù nhiêu tuổi vẫn chưa được coi là người trưởng thành. Lễ cấp sắc có nhiều cấp bậc, 3 đèn, 7 đèn, 9 đèn, 12 đèn. Ngươi đàn ông Dao đa phân đều trải qua lễ cấp sắc 3 đèn.

Người Dao cũng là cư dân giỏi canh tác nông nghiệp. Người dân ở Nậm Đét còn co truyền thống và nổi tiếng với việc trồng quế. Cây quế là tài sản giá trị của mỗi gia đình người Dao, đó còn là tài sản thừa kế của bố mẹ cho con cái khi xây dựng gia đình.

  1. Người Phù Lá

Người Phù Lá ở Bắc Hà cư trú ở một số xã Na Hối, Nậm Đét, Nậm Mòn, Thải Giàng Phố… Những ngôi nhà của người Phù Lá là nhà trệt, hai mái, trình tường, một cửa chính ở giữa. Đời sống kinh tế của dân tộc Phù Lá dựa vào việc làm nương và ruộng bậc thang. Chăn nuôi gồm có trâu để kéo cày, ngựa để thồ, gà, lợn để lấy thịt. Người phụ nữ Phù Lá có đôi bàn tay khéo léo, họ tự bện ghế ngồi, chổi, chiếu… bằng rơm. Đó là những vật dụng rất quen thuộc trong mỗi gia đình người Phù Lá. Trong năm ngươi Phù Lá có 2 ngày lễ lớn đó là tết tháng bảy. Tết tháng bảy của người Phù Lá, là ngày con cháu đón các cụ tổ tiên, ba đời, bốn đời, các linh hồn cô quạnh không có người thờ cúng được gia đình gọi về ăn tết và cầu mong các cụ tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình luôn khỏe mạnh, mùa màng bội thu, gia đình có cuộc sống ấm no, thịnh vượng. Nên ngày từ những ngày đầu tháng bảy, các gia đình trong làng đã tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thực phẩm, gà, lợn, giấy tiền, quần áo, vàng hương... để đón tổ tiên, anh em về ăn tết với gia đình. Họ thường ăn tết tháng bảy từ ngày 10/7 kéo dài đến hết ngày 14/7 (âm lịch).

Người Phù Lá bắt đầu ăn tết cổ truyền vào ngày 30 của tháng cuối năm âm lịch, Tết được tổ chức ăn trong 5 ngày. Trong dịp tết bà con Phù Lá cũng mổ lợn, mổ gà, gói bánh chưng, làm bánh dầy, uống rượu cần, ném còn, múa xoè, hát đối, kéo co và một số trò chơi văn hoá thể thao dân gian như: đánh quay, chơi đu bay, bắn súng, bắn nỏ, tó má lẹ.

  1. Dân tộc La Chí

Dân tôc La Chí ở Bắc Hà cư trú chủ yếu ở xã Nậm Khánh. Đời sống người La Chí nói chung còn nhiều khó khăn. Trang phục truyền thống của người La Chí được dệt từ sợi bông, nhuộm chàm. Trang phục chỉ có một màu chàm. Đối với nữ thì mặc áo tứ thân, đai buộc ngang thắt lưng, có chùm dây bạc ngang hông phải, dài đến bắp chân. Trên trang phục của người La Chí có những hoa văn nhỏ, không sặc sỡ, nhưng độc đáo với các nét thêu thẳng hàng, hình zích zắc, hình cây lúa. Đàn ông La Chí mặc quần lá tọa, áo năm thân, cài khuy nách phải, quấn khăn trên đầu. Họ quan niệm khi chết phải mặc quần áo sợi bông, nhuộm chàm. Vì vậy nghề trồng bông, dệt vải trong cộng đồng người La Chí vẫn còn duy trì đến ngày nay.

Người La Chí canh tác nông nghiệp. Họ có nhiều tín ngưỡng và nghi lễ độc đáo liên quan đến nông nghiệp như: Lễ mở khi xin giống vào tháng 4 âm lịch hàng năm; Lễ cúng vụ cấy cầu mong cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt; Lễ cúng mừng cơm mới, sau đó mới được gặt, vào đầu tháng 9 âm lịch; Lễ đóng kho vào tháng 10.

Ngoài những nghi lễ nông nghiệp người La Chí còn có tết Khu Cù Tê để tưởng nhớ tổ tiên, cầu cho làng bản, gia đình ấm no hạnh phúc, cây lúa tốt tươi, mùa màng bội thu. Các gia đình trong dòng tộc thường chung tiền mua một con trâu để mổ, chia đều cho các gia đình, riêng trưởng họ sẽ được đôi sừng (xỏ một sợi dây để treo cùng chiếc giỏ (La mổ) và một củ gừng) treo ở gian giữa của ngôi nhà, đó chính là bàn thờ tổ tiên của người La Chí.

Phan Phựơng

相关文章

样品计划