error image error image error image

Phong tục đón tết truyền thống đặc biệt của người Giáy

25/01/2023 1055 0
Tết đối với người Giáy rất thiêng liêng, đó là ngày xum họp gia đình, người thân cũng là ngày được nghỉ ngơi, ngày gia đình sống vui vẻ, đầm ấm.

Cúng gia tiên ngày tết dòng họ Hoàng

Tết của người Giáy trùng với tết Nguyên đán, người Giáy gọi là “xiêng láo”  được hiểu là (tết to) và người ta bắt đầu ăn tết tính từ ngày mổ lợn cho đến hết ngày 29 tháng giêng. Nhưng mời khách đến ăn tết thì chỉ có 2 ngày, đó là ngày mổ lợn (thường mổ lợn vào ngày 27, 28 tháng chạp và ngày tiễn ông bà, gia tiên). Cũng như nhiều dân tộc khác, người Giáy cũng có tục đón linh hồn tổ tiên về trước giao thừa và cúng lễ hóa vàng (những vật phẩm cúng lễ bằng giấy như quần áo, tiền, vàng mã được đốt đi) để tiễn ông bà về trời. Tuy nhiên, thay vì các gia đình tùy chọn ngày hóa vàng phù hợp như các tộc người khác, thì người Giáy hóa vàng theo ngày cố định của dòng họ như họ Vàng, họ Hoàng là chiều mùng một, họ Sần, họ Vạn là chiều mùng ba, các họ khác là ngày mùng hai và đều có truyền thuyết từ xa xưa kể lại… Các ngày khác trong tết người ta không mời khách nhưng khi chơi tết người ta vẫn  có thể tụ tập ở một nhà nào đó vui chơi, ăn uống hát hò. Trong ngày tết to người Giáy chế biến nhiều loại món ăn và làm nhiều loại bánh trái, sửa sang, quét dọn nhà cửa, mua sắm vật dụng và may quần áo nhất là đối với trẻ nhỏ… Phong tục đón tết truyền thống của người Giáy khá cầu kỳ và trang trọng bởi người Giáy ăn tết (cưn xiêng) và chơi tết (liều xiêng) hết tháng giêng (đươn xiêng).Với người Giáy sau khi làm xong các loại bánh và dọn dẹp để bày biện trên bàn thờ tổ tiên, bắt đầu từ chiều tối 30 tết hương và nến được thắp lên và giữ liên tục không được tắt cho đến lúc hóa vàng xong. Điều đặc biệt trong ngày tết to của người Giáy là làm lễ mua nước vào sáng mùng một tết. Khi gà gáy canh đầu tiên người ta dậy thắp hương đốt tiền vàng ở thùng hứng nước hoặc ở thành giếng sau đó lấy nước mới về đun pha trà, rửa ẩm chén, rửa mặt và cúng ông bà, tổ tiên bằng nước trà mới và sau đó lấy giấy đỏ, vải đỏ đi dán, buộc tất cả mọi vật dụng trong nhà, công cụ lao động, cây cối…nghĩa là mọi vật đều được ăn tết. Cũng trong ngày tết to này người Giáy còn có 5 lần cúng tổ tiên đó là ngày mổ lợn, ngày ba mươi tết,  ngày tiễn ông bà, gia tiên (hóa vàng), ngày rằm tháng giêng và ngày 29 tháng giêng (tết nhỏ) nghĩa là tết để kết thúc tết bắt tay làm những công việc mới.

Lễ cúng chiều 30 tết

Điểm độc đáo nữa trong thực hiện nghi lễ đầu năm của người Giáy là tổ chức Lễ hội Xuống đồng. Theo quan niệm của người Giáy sẽ làm lễ vào ngày thìn của tháng giêng hàng năm sẽ được rồng phun mưa cho ruộng lúa tốt tươi, không bị hạn hán. Nếu ngày thìn đầu năm trùng với ngày tết ( mừng 1 hay mùng 2 tết) sẽ được được lùi lại vào ngày thìn tiếp theo.Tại đây mỗi gia đình sẽ chuyển bị sắm sửa một mâm cơm cúng gồm thịt lợn, thịt gà, bánh khảo, bánh bỏng, bánh trưng…để dâng cúng thắp hương khấn vài cầu cho một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống ấm no, hanh phúc.

Ngày hội xuống đồng (Róng Pọc)

Tết của người Giáy Lào Cai có rất nhiều điều thú vị nếu du khách muốn tìm hiểu về phong tục và văn hóa đón tết của người Giáy hãy liên hệ (trong giờ hành chính) với chúng tôi để được cung cấp và thông tin tư vấn du lịch (miễn phí): Văn phòng Nhà du lịch Sa Pa: Số 02, phố Fansipan, Tx. Sapa, tỉnh Lào Cai; Tel: ( 84-) 2143 871 975;  Văn phòng Nhà du lịch Bắc Hà:Dinh thự Hoàng A Tưởng, TT. Bắc Hà, tỉnh Lào Cai; Tel: ( 84-) 2143 780 662.

Kim Anh

相关文章

样品计划