error image error image error image

Ngải Thầu thượng- thôn cao nhất Việt Nam

13/03/2019 13210 0

Ngải Thầu là một xã vùng cao giáp biên của huyện Bát Xát, Lào Cai… Phía Đông Ngải Thầu giáp xã Trịnh Tường, phía Tây giáp đất Trung Quốc, phía Nam giáp xã Y Tý và phía Bắc giáp ba xã A Lù, A Mù Sung và Nậm Chạc. Ngải Thầu gồm 6 thôn bản: Phìn Chải 1, Phìn Chải 2, Cán Cấu, Ngải Thầu Hạ, Ngải Thầu Thượng, Chin Chu Lìn với cư dân đa số là đồng bào H’Mông.

Đỉnh núi Ma Cha Va cao khoảng 2.300 m so với mực nước biển, thôn Ngải Thầu Thượng nằm trên núi đó, ở độ cao khoảng 2.100 m. Ngải Thầu Thượng là một trong những thôn cao nhất Việt Nam, có lẽ không sai đâu, nhưng chắc chắn là thôn cao nhất tỉnh Lào Cai.

               Ngải Thầu Thượng có hơn 60 hộ người H’Mông, thì gần một nửa định cư ở giáp Ngải Thầu Hạ, còn 35 nóc nhà nằm lọt thỏm giữa rừng cây cổ thụ gần đỉnh Ma Cha Va mờ mờ ảo ảo. Ngải Thầu Thượng nắng to, trời xanh không một gợn mây, ở độ cao trên 2.100 m so với mực nước biển, có thể cảm nhận mình gần với bầu trời hơn. Trời nắng mật ong sao mà vẫn có gió lạnh sởn da gà .

Trong gian nhà tường đất cũ kỹ, ông Sùng Lử, 71 tuổi, là người cao tuổi nhất Ngải Thầu Thượng đang ngồi sưởi lửa. Ông Lử bảo ở đây lạnh lắm, không có bếp lửa thì không sống qua được mùa đông. Nhà nào cũng vậy, cứ có người ở nhà là bếp đỏ lửa cả ngày.

Để chống lại giá rét và thú dữ, từ lâu người Mông ở đây đã có truyền thống làm nhà tường đất dày gần 1m, cả cửa chính và cửa sổ đều nhỏ, để tránh sương gió lùa vào. Làm nhà kín, suốt ngày đốt lửa, vậy mà cả năm ở đây bà con vẫn phải đắp chăn bông, vì rét tái tê.

Những khi có tuyết rơi, trừ đỉnh Phan Si Păng cao 3.143 m, thì bao giờ ở đỉnh Ma Cha Va cao và thôn Ngải Thầu Thượng cũng có tuyết rơi trước những nơi khác. Mùa đông năm trước, tuyết ở đây rơi dày đến hơn 1m, phải gần 1 tháng mới tan hết. Nên chỉ có cây tống quá sủ mới chịu được giá rét khắc nghiệt nơi đây, cây cao cổ thụ rêu phong, lá xanh mướt với thân cây mốc rêu phong vẫn cố gắng oằn mình vươn cao sức sống nên thân cây nào cũng cong cong.

Sinh sống ở nơi lạnh giá nhất, người Mông ở Ngải Thầu Thượng không cấy được lúa, mà chỉ trồng được ngô một vụ. Còn chăn nuôi, thì chủ yếu là dê, lợn, gà. Dạo quanh Ngải Thầu Thượng, tôi để ý những con lợn người Mông nuôi ở đây đều được thả trong rừng, con nào con nấy có lớp lông dày dựng đứng và dài đến một gang tay, trông chẳng khác gì lợn rừng.

Lên Ngải Thầu Thượng vào mùa này, tôi bị hút hồn bởi vẻ đẹp của những rừng tống quá sủ cổ thụ, rêu phong, ẩn hiện trong sương mây mờ ảo. Theo tiếng dân tộc Mông, tống quá sủ có nghĩa là cây sống qua mùa đông khắc nghiệt (tống quá sủ là cây qua đông: Sủ là cây, tống là đông, quá là qua). Những ngày trời nắng như mật ong, hàng cây tống quá sủ vút cao cắt hình trên nền trời xanh thẳm tạo nên vẻ đẹp khỏe khoắn, tô điểm thêm sự hùng vĩ, hoang sơ cho núi rừng. Cả những cây tống quá sủ già cỗi quá đã chết, nhưng không hề đổ gục như những loại cây khác mà vẫn đứng sừng sững giữa đất trời, thân cành khẳng khiu, không khuất phục gió mưa, bão tố. Gỗ tống quá sủ không phải là loại quý hiếm, nhưng lại có đặc tính bền, có thể dùng làm cột nhà, xẻ thành ván mỏng để làm tường và thang gác nhà hoặc bàn ghế đơn giản. Đồng bào vùng cao Ngải Thầu cũng dùng những cây tống quá sủ to đục bỏ phần lõi làm thành máng ăn cho gia súc và còn sử dụng làm củi đun quanh năm, sưởi ấm trong mùa đông lạnh giá. Rừng tống quá sủ trên đỉnh Ngải Thầu vừa làm thành “bức tường” kiên cố che chắn gió bão, bảo vệ cho thôn, bản người H’Mông, chống xói mòn đất, vừa làm cho khung cảnh vùng cao thêm đẹp và thơ mộng. Cây tống quá sủ từ lâu đã trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, sức sống bền bỉ và ý chí kiên cường vươn lên khỏi hoàn cảnh khó khăn của đồng bào vùng cao nơi đây.

Những ngày cuối năm, nhịp sống trên Ngải Thầu Thượng rộn rã hơn hẳn ngày thường. Từ tháng 10 âm lịch trở đi, người Mông trên núi Ma Cha Va bắt đầu vào mùa làm nhà trình tường. Tiếng người cười nói rôm rả xem lẫn tiếng chày nện đất thình thịch âm vang giữa rừng tống quá sủ cổ thụ.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết Ngải Thầu Thượng là thôn cao nhất, cũng là thôn “trẻ” nhất xã Ngải Thầu. Lý do vì đa số các gia đình ở đây đều là những cặp vợ chồng trẻ, rời những thôn thấp hơn đất đai chật chội để lên “đỉnh trời” này xây dựng tương lai.

          Xưa nay, dân phượt hay các nghệ sĩ nhiếp ảnh lên xã vùng cao Y Tý của huyện Bát Xát để săn mây, săn tuyết, chụp ruộng bậc thang mùa nước đổ hay mùa gặt đều không thể không đến xã Ngải Thầu. Nhiều khi nói là lên Y Tý nhưng lại trải nghiệm ở Ngải Thầu là chính. Dân bản địa tự hào rằng, Ngải Thầu là “3 trong 1”. Mây Ngải Thầu đẹp nhất, tuyết Ngải Thầu rơi dày nhất, ruộng bậc thang Ngải Thầu đẹp nhất.  Xã Ngải Thầu có hai vùng, Thượng và Hạ. Vùng Hạ nằm ngay tỉnh lộ 158, cách trung tâm Y Tý gần 5 km. Vùng này gây ấn tượng mạnh bởi những thung lũng ruộng bậc thang của bà con H’Mông. Ruộng bậc thang mùa nào cũng đẹp. Mùa đổ nước, những ngày có nắng cả thung lũng như dát bạc, lấp lánh từ lưng chừng núi xuống chân núi. Mùa gặt thì thửa nối thửa, bậc gối bậc, miên man một màu vàng no ấm. 
          Đến với vùng Ngải Thầu Hạ tương đối dễ thì lên được với vùng Thượng phải vượt gần chục km đường đá lổn nhổn xoáy ốc qua rất nhiều quả núi. Nếu như, Ngải Thầu Hạ gây ấn tượng mạnh với những cung bậc, những gam màu đa sắc của ruộng bậc thang thì Ngải Thầu Thượng lại huyền ảo bởi những sớm mai ánh bình minh xuyên qua biển mây đặc quánh để chiếu rọi khắp các bản H’Mông ven triền núi. Cuộc sống ở Ngải Thầu Thượng thật thanh bình.  Mỗi sớm mai, người già ở nhà trông trẻ nhỏ hoặc làm việc vặt trước cửa các ngôi nhà trình tường cũ kỹ.  Người lớn lên ruộng bậc thang đổ nước hay cày ải.  Lũ trẻ mang gùi, lùa từng đàn dê vào rừng chăn thả.  Mùa này, ven những con đường núi, bên hàng rào hay trong vườn của người H’Mông đều một màu xanh mướt những hàng cây đào, mận.

Đường lên Ngải Thầu thượng giờ đẹp lắm, được Đảng và Nhà nước quan tâm thôn được đầu tư 7 km con đường bê tông nông thôn mới rất đẹp thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại đặc biệt là lúc mưa gió, hơn nữa các phượt thủ cũng dễ dàng đi săn mây bằng ô tô hay xe máy hơn. Có lẽ, mỗi mùa Tết, dân Ngải Thầu Thượng ít chặt cành đào bán cho dân dưới xuôi nên  cứ đầu mùa xuân bên 2 cánh đường lên thôn sát những nếp nhà rất nhiều dãy cây đào đang ra hoa đỏ rực một con đường, đẹp rất nên thơ muốn ngắm mãi mà không muốn về, sau mùa hoa quả đào ra sai chin chít…

 Cư dân Ngải Thầu chân chất, thân thiện, nhiệt tình và hiếu khách. Hầu như vào nhà nào chúng tôi cũng nhận thấy sự niềm nở, vui vẻ từ người già đến lũ trẻ.
         Ngải Thầu thượng tuy chưa nổi tiếng như nhiều vùng khác nhưng với những đặc điểm độc đáo về khí hậu, những nét đẹp về thiên nhiên cùng sự mộc mạc, thân thiện, hiếu khách của cư dân thì chắc chắn trong một ngày không xa, nơi đây sẽ là địa danh thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước…

 

Ngải Thầu và Y Tý là hai xã vùng cao, biên giới Việt Nam – Trung Quốc thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Mặc dù là vùng sâu, biên giới nhưng bạn không gặp quá nhiều khó khăn để đến đây. Ngải Thầu – Y Tý cách Sa Pa khoảng 75 km, cách thành phố Lào Cai khoảng 80 km nên khá thuận tiện cho một cung đường du lịch kết hợp Sa Pa – Y Tý – Ngải Thầu – TP. Lào Cai. Trải nghiệm hành trình săn mây Y Tý, Ngải Thầu, bạn sẽ được sống trong những khoảnh khắc tuyệt vời, hiếm mùa nào có được ở miền cao Tây Bắc.

Biển mây ở miền cao Tây Bắc, đặc biệt là ở Y Tý và Ngải Thầu có thể có quanh năm do địa hình cao, không khí lạnh và ẩm. Khi hội tụ tất cả những yếu tố đó, bạn sẽ được ngắm nhìn những kỳ quan của tạo hóa, biển mây trắng bồng bềnh, bát ngát lấp đầy các thung lũng và bờ là những dãy núi sừng sững. Bạn sẽ thấy sự di chuyển của mây về các bản làng như những con sóng, cuốn đi, nhấn chìm những ngôi nhà. Tất cả làm nên vẻ đẹp ở miền núi cao hoang vu như một bức tranh thủy mặc.

Đường lên Ngải Thầu thượng- cung đường đáng đi và khám phá. Nơi đây hầu như chưa có du lịch và dịch vụ hiện đại nên nếp sống, văn hóa, phong tục của các dân tộc vẫn được giữ nguyên vẹn. Bạn sẽ trầm trồ trước vẻ đẹp của những ngôi nhà trình tường trong bản của người Hà Nhì, hòa mình trong cuộc sống mộc mạc, nhiều sắc màu của người H’Mông, nghe tiếng sáo réo rắt lưng chừng núi khi đến Ngải Thầu Thượng. Vẻ đẹp làm xao lòng bất cứ một du khách nào khi đến với vùng biên cương của Việt Nam này chính là nét trong sáng, vô tư, hồn nhiên của những đứa trẻ. Đặc biệt những người dân tộc Hà Nhì hay H’Mông ở đây khá thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng chỉ dẫn, giúp đỡ bạn đến những điểm ngắm mây đẹp nhất.

Một lần đến với Ngải Thầu, bạn sẽ muốn trở lại thêm nhiều lần nữa. Bởi đơn giản, vẻ đẹp ở vùng biên ải này là một minh chứng rõ ràng rằng cõi Thiên Thai tồn tại thực và Thiên đường ở ngay trước mắt ta, có thể chạm tay vào.

                                                                         

                                                                                                                                                                                 Phương Thảo

相关文章

样品计划