error image error image error image

Đặc sắc mâm cơm ngày tết của đồng bào Mông Lào Cai

10/02/2022 1568 0
Trong dịp Tết Nguyên đán nếu du khách có dịp về những bản Mông Tây Bắc, sức hấp dẫn và vị đậm đà của ẩm thực ngày tết nơi đây chắc chắn sẽ khiến bạn nhớ mãi không thôi bởi sự ấm áp và nét độc đáo riêng có.

Không phải từ đâu xa, ẩm thực của đồng bào Mông Tây Bắc được tạo nên từ những thứ tồn tại xung quanh cuộc sống của họ và những món ăn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự khởi đầu may mắn. Hãy cùng laocaitourism.vn tìm hiểu mâm cơm ngày tết của người Mông nhé!

Mâm cơm ngày tết đầy màu sắc

Thứ đầu tiên phải kể đến là bánh dày, bánh khoải. Đây là món ăn nhất thiết phải có, đặc biệt là trên bàn thờ cúng gia tiên. Bánh dày, bánh khoải tượng trưng cho trời đất, người Mông coi bánh dày là biểu tượng mặt trời, ngọn nguồn, khởi thủy cho sự tồn tại của vạn vật; bánh khoải tượng trưng cho đất. Bánh dày thường được chế biến bằng gạo nếp nương thơm, bánh khoải làm từ gạo séng cù. Gạo được ngâm qua đêm và nấu chín, sau đó đổ ra cối gỗ hình máng và giã ngay khi còn nóng nên mới tạo ra thức bánh dẻo, thơm đến lạ k. Thường những thanh niên khỏe mạnh được lựa chọn để giã bánh, bởi công việc đòi hòi sức khỏe, sự dẻo dai. Khi giã nhuyễn, phụ nữ mới vào cuộc, họ đổ bột bánh ra chiếc mẹt đã tráng lòng trắng trứng gà cho khỏi dính rồi nặn thành những chiếc bánh trắng muốt. Những chiếc bánh đầu tiên được gia chủ đưa lên bàn thờ cúng tổ tiên, tiếp đó chia cho người già, con trẻ ăn nếm. Mỗi gia đình thường làm rất nhiều bánh đăn dần, cũng như làm quà tặng người thân, bạn bè. Bánh có thể bảo quản được lâu đăn quanh năm, khi ăn người ta thường cắt thành những lát mảnh rồi rán với mỡ lợn hoặc nướng trên bếp than hồng. Những miếng bánh cứng bỗng nở tung, thơm lừng mùi gạo nương, tùy khẩu vị có người ăn cùng thịt lợn, thịt gà chấm với tương ớt, có người lại thích chấm với mật ong rừng.

Bánh dày, bánh khoải được bảo quản bằng cách ngâm nước

Mâm cỗ tết của người Mông cũng không thể thiếu đi thịt gà, thịt lợn và những món ăn chế biến từ lợn: Gà được dùng để làm vật cúng tổ tiên vào buổi chiều cuối cùng năm. Bởi với người Mông, không có gà thì không ai gọi thần mặt trời dậy, trời đất tối tăm mãi. Nên khi cúng, gia chủ cắt tiết gà ngay tại bàn thờ, nhúm chút lông gà nhúng vào tiết và dán lên những tờ giấy đã được dán sẵn trên bàn thờ. Sau đó mới đem gà đi làm cơm cúng. Riêng lợn thường được thịt từ 1 tháng trước tết đến khoảng rằm tháng chạp để kịp làm lạp sườn, các loại thịt treo ăn tết. Những món ăn chế biến từ lạp sườn, trâu sấy, ba chỉ hun khói luôn tạo nên điểm nhấn bởi hương vị của hạt dổi, mắc kén (những thứ gia giảm mà chỉ vùng núi cao Tây Bắc mới có). Dịp này thường cả nhà và hàng xóm sẽ quây quần mỗi người mỗi việc, ai cũng vui mừng phấn khởi.

Thịt gác bếp - Món ăn không thể thiếu trong dịp tết của người Mông

Ngoài ra, mèn mén, canh óc đậu cũng là món ăn không thể thiếu được trong mâm cơm ngày tết. Cái tên mèn mén “độc-lạ” này bắt nguồn từ tiếng Quan Hỏa, có nghĩa nghĩa là bột ngô hấp. Mặc dù được làm từ một loại nguyên liệu hết sức bình thường nhưng đem lại cho du khách cảm nhận rất thú vị bằng hương vị thơm ngon đặc biệt. Nguyên liệu chính để tạo ra là hạt ngô nương được đồ lên tạo mùi thơm và hương vị nồng nàn, óc đậu làm từ đậu tương, sau khi nấu sôi nước sẽ vắt chanh để nước đậu kết tủa cùng với rau cải. Bên mâm cơm của người Mông cũng có thêm chai rượu ngô men lá được nấu từ những hạt ngô trồng trên núi cao. Có điều đôc đáo, là bà con uống rượu rất vui, nhưng không thấy ép người uống bao giờ, chén rượu rót ra, mời nhiệt tình nhưng tùy tửu lượng. Bà con vui và tự nhiên như thế!

Mâm cơm ngày tết của đồng bào Mông Tây Bắc luôn đầy màu sắc và mang ý nghĩa mong cầu cho một năm tốt đẹp, mùa màng bội thu sẽ đến. Mùa tết sum vầy ấy được quây quần bên mâm cơm và nhâm nhi cùng một chén rượu ngô giữa tiết trời se lạnh đầu xuân để cảm nhận rõ hơn, sâu hơn sự mộc mạc mà ấm cúng như con người nơi đây quả thực không còn gì bằng.

Phương Chi

相关文章

样品计划