error image error image error image

Trải Nghiệm Tục Giã Bánh Dày Ngày Tết Của Người Mông

21/01/2023 1316 0
Trên mâm cúng ngày Tết của người Mông không thể thiếu bánh dày. Nó thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con người có sức khỏe, cuộc sống của người Mông bình yên, ngày một ấm no.

Bánh dày không chỉ là một món ăn quen thuộc trong cuộc sống thường ngày mà nó còn là biểu tượng không thể thiếu trong đời sống tâm linh. Theo tiếng Mông, bánh dày có tên gọi là “Pả” hoặc “Dúa” tùy theo từng vùng khác nhau. Với người Mông, bánh dày là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái người Mông, bánh dày còn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Ngày 30 tết cũng chính là ngày hội giã bánh dày của người Mông.

Bánh dày tròn – Biểu tượng linh thiêng của người Mông

Công đoạn để làm ra những chiếc bánh dày dẻo, thơm rất công phu. Gạo nếp làm bánh được người dân lựa chọn phải là gạo nếp nương mới, vẫn còn lớp màng mịn bám ngoài hạt gạo tăng hương thơm cho bánh thì chất lượng bánh mới đảm bảo. Gạo nếp vo sạch và ngâm trong nước ấm trong nhiều giờ đồng hồ. Sau đó vớt ra, để ráo nước rồi mới cho lên chõ đồ khoảng trong khoảng 1 – 2 giờ để xôi chín mềm, dẻo nhưng không được nát. Sau khi đồ chín, xôi vẫn đang nóng hổi phải mang giã ngay thì bánh mới đảm bảo độ nhuyễn, dẻo, quánh, lúc nặn sẽ mềm.

Nhùng người đàn ông trong gia đình sẽ đảm nhiệm việc giã bánh dày. Đây là khoảng thời gian sôi động nhất trong cả năm của bản làng. Giữa không gian tĩnh mịch, từng nhịp chày vang lên bùm bụp hòa lẫn tiếng nói cười, trò chuyện hân hoan của những đôi trai bản, thôn nữ tạo nên một khung cảnh hạnh phúc, thuận hòa.

Những chàng trai tham gia giã bánh dày

Sau khi giã bánh xong là đến công đoạn thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ Mông. Họ dùng tay đã được xoa lòng đỏ trứng gà hoặc mỡ chống dính và nặn khối bột vừa giã thành những chiếc bánh vừa vặn, tròn trịa, dẹt. Bánh sau khi nặn được gói vào lá chuối tươi đã rửa sạch, lau khô và hơ qua lửa để lá có độ mềm và dậy mùi thơm.

Bánh dày của người Mông không có nhân cũng không dùng bất kỳ một loại gia vị nào nên bánh giữ nguyên vị ngọt tự nhiên, thơm dẻo của gạo nếp nương. Bánh có thể dùng luôn lúc nóng, cũng có thể để được khoảng 1 tháng, cắt thành từng miếng rán cùng mỡ lợn hoặc nướng trên than củi. Bên mâm rượu, cùng hòa vị với những món ăn truyền thống vùng cao, bánh dày luôn là món ăn hấp dẫn đối với bất cứ ai có mặt trong ngày tết cổ truyền đặc sắc của người Mông ở vùng cao.

Dù ngày Tết có nhiều sản vật thơm ngon xong đồng bào dân tộc Mông trên dẻo cao Bắc Hà vẫn gìn giữ tục lệ giã bánh dày nhằm tôn vinh sự đồng lòng, hòa thuận cho một cuộc sống sum vầy và no đủ. Những năm gần đây để bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du kháchh thập, người dân trong làng còn tổ chức thi giã bánh dày giữa các gia đình, các dòng họ, các bản.

Bích Ngọc

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu