Nguyên gốc đường đá cổ Pavie có chiều rộng mặt đường trung bình là 3 m và tổng chiều dài khoảng 80 km. Tuy nhiên do tác động của thiên nhiên cũng như con người nên con đường đá cổ Pavie đã có nhiều thay đổi, dấu tích còn lại chủ yếu là đoạn đường nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên huyện Bát Xát quản lý. Trải qua hàng trăm năm mưa nắng, khai phá các vùng đất mới của người đồng bào, ngày nay tuyến đường đá cổ chỉ còn lại khoảng 12 km khá nguyên vẹn từ Nhìu Cù San (Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai) tới Sàng Ma Pho (Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu). Đường đá cổ Pavie được xây dựng nhằm mục đích phục vụ hoạt động quân sự, vận chuyển hàng hoá, muối, đạn dược, nông lâm sản… của thực dân Pháp. Tuy nhiên đến nay người dân trong vùng vẫn kể lại rằng, từ trước khi con đường được xây dựng kè đá thì người Mông đã mở đường đi lại giữa hai vùng trên cung đường này.
Con đường đá cổ huyền thoại
Con đường đá này được gọi với tên của một nhân vật cụ thể có tên là Pavie. Ông Auguste Pavie là nhà ngoại giao, nhà thám hiểm, nhà dân tộc học... và cũng là công chức dân sự thuộc địa người Pháp, người đóng vai trò trọng yếu trong việc thiết lập quyền kiểm soát của Pháp tại Lào trong hai thập niên cuối thế kỷ 19. Suốt 100 năm qua, nhiều đồng bào dân tộc vẫn lựa chọn con đường đá cổ Pavie để di chuyển từ bản Nhìu Cồ San sang bản Sàng Mà Pho và ngược lại.
Ngày 8/12/2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 3130/QĐ -UBND xếp hạng đường đá cổ Pavie là di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Hiện nay 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai đang tiếp tục phối hợp để khai thác du lịch trên tuyến đường đá cổ trăm năm tuổi này. Năm 2022, lần đầu tiên tổ chức Giải chạy marathon khám phá con đường đá cổ Pavie do huyện Phong Thổ, Lai Châu chủ trì. Tháng 8 năm 2024, huyện Bát Xát, Lào Cai sẽ tổ chức giải chạy Khám phá di tích đường đá cổ Pavie huyện Bát Xát lần thứ nhất năm 2024.
“Cổng trời” phân chia ranh giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu
Chinh phục đường Pavie được nhiều du khách ưa thích bởi đường đi khá dễ dàng, nhưng lại có nhiều trải nghiệm đẹp với những góc nhìn từ trên cao xuống ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc. Đặc biệt là cảm nhận sức mạnh của con người đã làm lên con đường đá cổ kì tích - Những viên đá to thì cỡ bánh xe, nhỏ thì cỡ nắm tay được lát đều trên con đường. Cung đường Pavie sẽ dẫn bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đoạn đầu con đường đá không dốc lắm, nhiều chỗ đường còn bằng hoặc thoải, những viên đá lát cẩn thận. Vì gần khu dân cư, người dân và trâu, bò đi nhiều nên những phiến đá nhẵn lỳ, nhiều chỗ bật mất mặt đá. Qua cung đường dễ đi ban đầu, càng lên cao, khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên càng khiến du khách thêm háo hức. Tiếp sau đó, con đường xuyên qua vùng lõi của rừng Hoàng Liên nên khi chinh phục cung đường này bạn sẽ bắt gặp những rừng cây cổ thụ rêu phong và ngắm gia đình núi Nhìu Cồ San sừng sững chắn mây. Càng tiến sâu vào rừng già, những viên đá lát trên đường được phủ lên một lớp rêu xanh mướt cũng gây khó khăn cho việc di chuyển.
Những viên đá phủ đầy rêu xanh ẩn sâu trong rừng già
Nếu bạn yêu thích, hãy thử một lần khám phá con đường đá cổ có một không hai này nhé. Tuy độ khó không cao, nhưng lại đem đến nhiều cảm nhận về núi rừng, cuộc sống Tây Bắc, cảm nhận về một thời lịch sử.
Du khách thích thú chụp ảnh trên con đường đá cổ Pavie
Phan Phượng