error image error image error image

Ngựa – từ vật nuôi thân thiết đến phần hồn không thể thiếu của văn hóa Bắc Hà

13/05/2019 5411 0
Nếu như ở miền xuôi con trâu là đầu cơ nghiệp thì ở cao nguyên trắng Bắc Hà không vật nuôi nào có thể thay thế được vai trò của ngựa. Người dân Bắc Hà vốn có nghề nuôi ngựa từ rất xa xưa, đã được truyền qua không biết bao nhiêu thế hệ nên hình ảnh con ngựa lại càng gắn bó với vùng Cao nguyên trắng.

Với đặc điểm sinh sống ở vùng núi cao, đồi dốc, cuộc sống của người Mông hầu như luôn gắn liền với ngựa. Giống ngựa gốc ở Bắc Hà chủ yếu có màu lông đỏ, vàng, đen; với vóc dáng khá nhỏ bé, chỉ cao từ 1,2 tới 1,5m, dài thân từ đầu vai tới khấu  đuôi khoảng 1,2-1,3m; cân nặng chỉ từ 130kg tới 170kg. Chúng ngày ngày giúp việc cho đồng bào trong lao động như thồ hàng hóa, kéo xe, chở người di chuyển ở những nơi địa hình xa, hiểm trở. Bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh một anh chàng người Mông tay dắt thêm một chú ngựa, trên lưng thồ hàng bền bỉ đi qua nhưng con đường nhỏ, dốc, gập ghềnh, leo đồi, lội suối bất kể thời tiết. Chúng hiền lành, tận tụy và dễ chăm sóc.

Theo năm tháng, hình tượng con ngựa đã đi vào trong văn hóa dân gian của người Mông, qua những câu dân ca, tục ngữ, xuất hiện trong lễ cúng, đám tang, đám cưới, các lễ hội với vai trò quan trọng. Chính vì có vai trò quan trọng nên đồng bào Mông không bao giờ tự nhiên thịt một con ngựa. Chúng thường bị mổ khi đa già yếu hoặc không có sức lao động, hoặc chủ đã có đủ sức  thồ, sức kéo. Chính vì vậy, những món ăn từ thịt ngựa không nhiều, và chỉ có món thắng cố là nổi tiếng nhất. Ngoài ra cũng có thịt ngựa xào tươi, chân ngựa hầm, thịt ngựa hun khói,... Mà đặc biệt, ai đã đặt chân tới Bắc Hà mà chưa từng nếm qua món thắng cố do người Mông nấu thì chưa cảm nhận hết hương vị ngọt ngào của vùng cao nguyên trắng.

Trong hội Gầu Tào đầu xuân hàng năm, những chú ngựa cũng được chủ cho tham dự mới mong muốn được hưởng một phần phúc lộc của thần núi. Đặc biệt, đua ngựa từ trò chơi dân gian phổ biến của người Mông ở Bắc Hà dần trở thành một môn thể thao nhận được sự quan tâm đặc biệt từ công chúng. Những cuộc đua ban đầu được tổ chức với quy mô nhỏ, hình thức đơn giản. Người ta chọn một quãng đường dài vài km có đoạn bằng phẳng, có đoạn mấp mô để làm đường đua. Người và ngựa nào đến đích trước sẽ là người thắng cuộc. Phần thưởng tuy chỉ mang tính tượng trưng là một vò rượu hay tấm vải lanh nhưng cuộc thi thu hút rất đông người quan tâm và các nài ngựa tham gia tranh tài. Sau nhiều năm đua ngựa tạm dừng, năm 2007 giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà đã được khởi động trở thành hoạt động văn hóa – thể thao thường niên của huyện, thu hút đông đảo du khách tới tham dự và cổ vũ.

Mỗi năm khi mận trong vườn của bà con người Mông chín đỏ, cũng là lúc các nài ngựa quanh huyện Bắc Hà rộn ràng chuẩn bị cho Giải đua ngựa truyền thống. Năm nay, trong khuôn khổ Festival Văn hóa Du lịch Bắc Hà (diễn ra từ ngày 29/5 tới 9/6), Giải đua ngựa truyền thống sẽ lại là nơi những nài ngựa tài giỏi nhất vùng Tây Bắc hẹn nhau tỉ thí. Những cuộc đua nay đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Mông, cũng như những chú ngựa đã trở thành một phần hồn không thể thiếu trong văn hóa của Bắc Hà.

Bùi Hà (ảnh: Phan Phượng)

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu