error image error image error image

Nghệ thuật kiến trúc của dinh Hoàng A Tưởng

20/10/2021 2033 0
Dinh Hoàng A Tưởng có một kiến trúc đặc biệt ít gặp. Nó là thể loại công trình kết hợp vừa để ở, để làm việc và là pháo đài phòng thủ. Đây là một loại hình kiến trúc hiếm có trong di sản di tích kiến trúc Việt Nam. Ngôn ngữ trang trí kiến trúc là sự kết hợp phong cách phương Đông và phương Tây.

- Ý tưởng xây dựng dinh thự:

Nhờ vào việc bóc lột, buôn bán muối, thuốc phiện ông Hoàng Yến Tchao đã tích lũy được một số tài sản rất lớn trong thời gian cai trị từ khoảng năm 1905 đến 1914. Và để khẳng định sự uy phong và giàu có của họ tộc  mình trên mảnh đất cao nguyên trắng này nên thổ ty Hoàng Yến Tchao đã quyết định xây dựng nên ngôi nhà Hoàng A Tưởng. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1914 đến cuối 1921 thì hoàn thành.

- Quá trình chuẩn bị:

Theo những lời dân trong vùng kể lại, để xây dựng và chuẩn bị khởi công công trình họ Hoàng chuẩn bị khá công phu: mời các thầy địa lý về xem địa điểm, thế đất… để tìm cho được chỗ nào là “âm dương điều hoà và có thể hợp làm một thì sẽ đăng đạt được một môi trường hoàn hảo như ý…”

             Sau nhiều năm thăm dò và nghiên cứu cuối cùng cũng tìm được chỗ đất “lành” hợp với long, mạch, thuỷ, sa. Đó là một khu đất cao ráo vuông vức, có gò đằng sau, trước có sông suối. Chủ nhà nhất định tài lộc hanh thông, sức khoẻ dồi dào, bổng lộc xung đầy, thậm trí quyền cao chức trọng.

             Về vật liệu cha con họ Hoàng chuẩn bị rất kỹ lưỡng – có một số người dân kể rằng sắt, thép, xi măng được vận chuyển bằng đường sắt Hà Nội – Lào Cai, đến Phố Lu thì tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ lên Bắc Hà  (khoảng 40km). Gạch ngói được họ Hoàng cho sản xuất tại chỗ bằng đất sét ở địa phương dưới sự chỉ dẫn của chuyên gia Trung Quốc. Với bàn tay lành nghề, các thợ thủ công đã làm ra sản phẩm chín đều, không cong vênh, độ cứng hoá sành.

Để thiết kế ngôi nhà này ông Hoàng Yến Tchao đã mời cố vấn người Pháp và một cố vấn người Trung quốc đảm nhiệm. Do vậy kiến trúc nhà Hoàng A Tưởng là sự kết hợp kiến trúc Âu và Á. Hai kiến trúc sư này vừa thiết kế vừa giám sát thi công.

- Quá trình xây dựng:

Nhân công được tuyển dụng tại chỗ và nhiều nơi kể cả các thợ ở miền xuôi lên gồm hàng trăm thợ có tay nghề giỏi, xây trát, mộc, nề (thợ chủ yếu là phu, tội phạm, những bản nào không có thợ thì phải đóng tiền). Các thợ được chia ra hai cúp, khi thi công cũng được chia làm hai thành phần công trình, mỗi cúp xây một nửa ngôi nhà khi hoàn thành, hai nửa ghép lại thành tổng thể ngôi nhà hoàn chỉnh, hai phần nửa của nhà sau khi ghép lại rất khớp nhau, không lệch, cân đối, tương xứng như cùng một cúp thợ cùng xây. Đến nay cũng rất khó phát hiện điểm ghép đó.

Sau gần bảy năm xây dựng, năm 1921 họ Hoàng tổ chức mở tiệc khánh thành rất lớn, ăn uống đến cả tuần. Có một sự kiện mà đến nay vẫn chưa ai lý giải được (kể cả những người thời đó còn sống đến giờ vẫn nghi ngờ) đó là: Khi tổ chức khánh thành, trong buổi lễ thì chủ thầu của hai cúp thợ chính, người cầm bản vẽ và trực tiếp thi công không thấy có mặt hay nói một cách khác là mất tích. (?)

Hai giả thuyết sau đây được bàn tán xôn xao trong dư luận ngày đó:

            1. Có một lý do nào đó họ Hoàng không muốn có người thứ hai chỉ huy thi công theo bản vẽ của ngôi nhà trên tức ông không muốn có một công trình thứ hai giống với ngôi nhà của mình trên mảnh đất Cao nguyên trắng.

            2. Công trình có nhiều hạng mục mà họ Hoàng không tiết lộ cho tới nay chưa biết hết được (chẳng hạn như hệ thống hầm ngầm, kho ngầm… để cất giấu tài sản quý như tiền bạc, thuốc phiện...)

- Kiến trúc của ngôi nhà

Nhà Hoàng A Tưởng có một kiến trúc đặc biệt ít gặp. Nó là thể loại công trình kết hợp vừa để ở, để làm việc và là pháo đài phòng thủ. Đây là một loại hình kiến trúc hiếm có trong di sản di tích kiến trúc Việt Nam.

Ngôn ngữ trang trí kiến trúc là sự kết hợp phong cách phương Đông và phương Tây. Phong cách phương Tây thể hiện ở những cột được đắp nổi, thể hiện sự vững chắc cho ngôi nhà. Đây là một phần của kiến trúc gô tích ở phương Tây từ thế kỉ XII. Hệ thống vòm tường, hành lang, hệ thống lò sưởi, ống khói trên mái, họa tiết cành nho xung quanh ngôi nhà là theo phong cách Pháp.

Phong cách châu Á thể hiện ở hình dáng ngôi nhà đó là hình chữ Môn, trên bức bình phong trước cửa người ta trang trí bằng hình chữ song hỉ. Đây là một kiểu thiết kế đặc trưng của phương Đông.

Vật liệu xây dựng cũng có sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Hệ thống xà gồ, vì kèo làm theo kiểu phương Tây. Nhưng lợp ngói âm dương, là một loại ngói phổ biến ở địa phương lúc bấy giờ. …..

Tóm lại, đây là công trình có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của giai cấp quan lại cai trị địa phương. Nó thể hiện sự học đòi cầu kì của giai cấp bóc lột. Tuy được trang trí đắp điếm rườm rà nhưng bộc lộ được vẻ đẹp hài hòa giữa tổng thể và chi tiết.

Bố cục tòa nhà như một pháo đài khép kín, chỉ có một cửa vào duy nhất, bố trí các lỗ châu mai dọc theo hành lang phía trước nơi có lối vào tòa nhà và cửa chính ở trên cao. Điều này thuận tiện cho việc bảo vệ. Trước đây, bao quanh khu dịnh thự rộng 10.000m2 còn có bức tường đất trình dày 80cm và cao 2,8m. Và thiết kế đường cho lính tuần tra canh gác. 

Phía trước nhà chính của dinh thự có 2 câu đối bằng chữ Hán có nghĩa là: Mùa xuân vĩnh hằng, Dòng họ hiển vinh. Thể hiện ước muốn của ông Hoàng Yến T.Chao khi xây dựng dinh thự. Trên đỉnh trước đây có lắp 1 gương tròn lồi màu hồng, ý nghĩa của gương tương truyền là, trước đây khi mặt trời mọc, lặn hàng ngày, ánh sáng mặt trời rọi vào, hào quang của gương phản chiếu tới đâu thì đất nhà họ Hoàng tới đó. Trên đỉnh phần trước có tường chắn mái lan can song bê tông gắn cách quãng, vừa để đỡ mái ngói vừa làm máng chắn nước; rồi làm nơi trang trí tạo một mảng liền tổng thể cả ngôi nhà. Trụ đầu có các phần trang trí đều có cột chịu lực tạo cho các lan can chắc chắn, đồng thời trên mỗi đỉnh cột đều được đắp nhô lên hình quả bầu, dân gian cho rằng quả bầu biểu hiện cho sự sinh sôi nảy nở như trong nhiều chuyện cổ được lưu truyền đến ngày nay.… riêng phần trên chính giữa có mảng bê tông uốn cong lượn cách điệu, ở giữa có lỗ hình tròn, hai bên có hai cành nguyệt quế, dưới có đắp nổi thời gian hoàn thành năm 1921… Mái dốc lợp ngói hình móng lừa úp chồng lên nhau. Ngói móng lừa hay còn gọi là ngói âm dương, được rất nhiều dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Pa Dí, Tu Dí, Phù Lá, Hoa ….sử dụng lợp nhà. Ngói được làm bằng đất đỏ, nhào kĩ với nước, sau đó lên khuôn, phơi khô và nung trong nhiệt độ cao 3 ngày 3 đêm. Trong khi nung người ta luôn luôn giữ nước trên đỉnh lò nung. Với cách làm này đã giúp cho sản phẩm ra lò, bền, đẹp, khó ngấm nước khi sử dụng. Sau khi ngừng nung thì ủ 1 tuần mới rỡ ngói ra để lợp. Ngói được nung ở nhiệt độ cao nên hóa sành và rất bền, mưa nắng khó mài mòn được nó. Chiều dài của ngói là 20cm, chu vi 20cm, dày 1cm. Gần hai đỉnh mái có hai ống khói lò sưởi. Nhiều người dân trong vùng kể lại rằng mỗi khi vào mùa đông lạnh giá ông Hoàng cho đốt lửa ở một lò sưởi riêng và dẫn hơi nóng lên các phòng bằng đường ống đất nung.

 Tất cả mặt chính của nhà chính được trang trí khá công phu bởi những cửa vòm, những hoa tiết đắp nổi, lõm, thụt vào, nhô ra, các cửa có lan can song cách đều tạo sự sáng sủa thông thoáng ngoài hành lang. Hơn nữa với các cửa vòm tạo cho kiến trúc cũng như kết cấu ngôi nhà khoẻ khoắn, bền chắc…

Các cửa vòm đều cao to tạo sự cân đối, hợp lý trong kỹ thuật kiến trúc đảm bảo tính mỹ quan cảm thụ của thị giác con người, gây cảm giác hứng khởi, không rối rắm. Việc tô điểm màu sắc của công trình cũng không gây loè lẹt hết sức hợp lý: màu trắng là chủ yếu tạo ra một khối kiến trúc trong không gian thoáng đãng lịch sự, trang nhã… Ngoài những cửa vòm trước mặt thoáng rộng còn có các cửa sổ, cửa ra vào cũng  được tận dụng tối đa khả năng có sẵn của ánh sáng thiên nhiên. Một điều đặc biệt trong thiết kế phong thủy hút gió tự nhiên của dinh thự mà các công trình khác không có: Quý khách để ý một chút sẽ thấy khi đứng trong khuôn viên của dinh thự cho quý khách cảm nhận được sự kín đáo, chắc chắn nhưng những luồng gió tự nhiên không thiếu ở tất cả các góc khuất, kể cả lối hành lang 2 bên ra phía sau nhà.

Phan Phượng

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu