error image error image error image

Nghề làm sáo, khèn của người Mông

25/11/2020 2756 0
Ở những bản làng bản người Mông cư trú đông và tập trung, lúc nào cũng có nghệ nhân làm sáo, làm khèn Mông. Bởi trong tâm thức đồng bào Mông, tiếng khèn tiếng sáo vô cùng quan trọng, có những thứ không thể nói bằng lời thì chỉ dùng tiếng khèn tiếng sáo để thay cho lời nói.

Để làm ra cây khèn Mông ưng ý, người làm khèn phải chọn những cây thông đá trên mười năm tuổi, vì những cây như thế có thớ gỗ đều và không bị sâu mọt. Sau khi chọn được cây như ý thì chặt thành từng khúc có độ dài ngắn khác nhau tuỳ thuộc vào ý định làm cây khèn dài hay ngắn. Cây thông đá được gác trên bếp hoặc phơi trong bóng râm cho khô, thời gian khoảng 1 năm. Khi xác định cây đã khô kiệt nước thì người làm khèn dùng dao sắc gọt từng phần của thân khèn, bầu khèn gọt rỗng để chứa không khí, thân ống thổi thon nhỏ dần đều về đầu thân có rãnh thông khí với bầu khèn. Ống khèn được làm từ thân cây tre rừng già. Tre được chặt vào thời gian nhất định trong năm (khoảng tháng 9 âm lịch) khi hết mưa để tránh không bị sâu mọt. Tre được phơi khô bằng cách gác trên bếp hoặc phơi trong bóng râm để tránh bị nứt, thời gian khoảng 1 năm. Sáu ống khèn được chọn từ những đoạn thân dài, phần về phía gốc phải kín. Sau khi tre khô chọn những ống như ý tiến hành ghép những lá đồng tương ứng với những âm thanh của cây khèn, đoạn gốc được vót sao cho vừa khít vớinhững lỗ trên bầu chính. Ống to nhất được ghép hai lá đồng, năm ống còn lại mỗi ống được ghép một lá đồng. Làm ra một cây khèn Mông ưng ý rất tốn thời gian và nhiều công đoạn, tuy nhiên do sự phổ biến của cây khèn Mông trong văn hóa nên ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm mua tại chợ hoặc các cửa hàng lưu niệm sản vật địa phương Lào Cai. Nếu có dịp tới Sa Pa, hãy tới bản Cát Cát để có thể tìm hiểu về cây khèn Mông đúng nghĩa và nghe, cảm nhận tiếng khèn của Sa Pa.

Sáo thường được làm từ tre, trúc, nứa hoặc gỗ, ngày nay người ta còn làm sáo từ nhựa, kim loại, xương,... hoặc bằng vàng. Mỗi loại vật liệu cho một âm sắc khác nhau nhưng âm thanh sáo trúc vẫn được yêu thích nhất. Với nghề làm sáo người Mông, thì vật liệu dùng để làm sáo thường là cây trưởng thành hoặc loại đã già, nhiều năm tuổi nhưng không quá cỗi, âm chắc, đanh, không sâu bệnh hay mối mọt.

Cây sáo Mông được làm thủ công hoàn toàn nên độ chuẩn xác đòi hỏi rất nhiều ở vật liệu và tay nghề của người chế tạo. Để làm được cây sáo ưng ý, người nghệ nhân ngoài việc chọn ống nứa, ống trúc, thì có bí quyết riêng như cách luộc ống bằng nước muối, nước vôi trong và kỹ thuật khoét lỗ, đặc biệt là việc chế tác lá đồng tạo âm thanh của cây sáo cho âm thanh ưng ý nhất. Bởi vậy, tuy một cây sáo nhỏ bé trông đơn giản nhưng để làm ra sáo thì kỳ công lắm, nếu tiếng chưa tròn, âm vực không ngọt, giọng sáo không đều thì cây sáo vẫn chưa được coi là đạt.

Nhớ đến Sa Pa với tiếng sáo, tiếng khèn Mông, tôi chợt nhớ câu thơ:

Tiếng sáo Mèo như quen như lạ

Nửa giận hờn nửa khắc khoải nhớ thương

Câu hỏi rộn ràng gõ lên từng vách đá

Tiếng trả lời mong manh như sương…

Bùi Hà

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu