error image error image error image

Lễ Cúng rừng (Mủ Đẳng Mai) của người Thu Lao, tỉnh Lào Cai

23/03/2018 16575 0
Lễ Cúng rừng (Mủ Đẳng Mai) của người Thu Lao, tỉnh Lào Cai

Ở Việt Nam, người Thu Lao được xếp vào dân tộc Tày, nhưng họ sống tương đối biệt lập, nên có nhiều nét riêng biệt về văn hoá với các nhóm cư dân đồng tộc. Làng của người Thu Lao quần tụ ở các triền núi. Tại đó còn có khu rừng thiêng tên gọi Lùng sảng, được dân làng suy tôn làm thần bảo hộ của cộng đồng.

Theo quan niệm của người Thu Lao xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, rừng thiêng là nơi trú ngụ của thần linh – người che chở, phù hộ và  bảo vệ cho bản làng được bình yên, các thành viên đó sức khỏe, đoàn kết, vật nuôi sinh sôi phát triển, cây trồng tươi tốt, mùa màng bội thu... Vì vậy, rừng thiêng được đồng bào bảo vệ và chăm sóc rất chu đáo. Hiện tại, xã Tả Gia Khâu có 4 kiểu rừng: Rừng tự nhiên (Đẳng gòa đật); Rừng trồng (Đẳng pấc);Rừng chia theo tổ (Đẳng tả chủng); Rừng cây (Đẳng may). Tại mỗi thôn người Thu Lao sinh sống, cộng đồng đã xây dựng các hương ước quy định rất rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ về việc khai thác, bảo vệ rừng. Trong đó, bảo vệ rừng cúng, rừng đầu nguồn, đặc biệt được người Thu Lao coi trọng và thực hiện với ý thức, trách nhiệm cao.

Theo đó, rừng được quản lý bởi thần rừng, thôn bản được quản lý bởi thổ địa và mỗi ngôi nhà lại có các vị thần linh trấn giữ ngoài cửa. Cuộc sống của con người được các thần linh bảo hộ: Chủ trời (Lóo tử), Tổ tiên (3 đời), Thổ địa, Thần rừng (thần bản mệnh cộng đồng), Bà Mụ và Thần gác cửa. Trong số các thần linh này, có ba vị gắn với tín ngưỡng Sơn thần: thần rừng, thần thổ địa và thần gác cửa.

Tại thôn La Hờ, người Thu Lao còn bảo vệ giữ gìn được một khu rừng nguyên sinh. Khu rừng này nằm về phía Tây Nam của thôn, có diện tích khoảng 6 ha, với nhiều cây cổ thụ như nghiến, lát, đinh, vừa có tác dụng giữ nước, vừa có tác dụng che chắn gió lớn cho thôn. Rừng cúng là nơi linh thiêng nên chỉ có đàn ông nam giới được quyền vào khi đến ngày hành lễ. Trong ý thức của họ, rừng không chỉ cung cấp cho đất ở, sản xuất, mà rừng còn cho họ nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh, gỗ làm nhà và gỗ chế tác đồ dùng sinh hoạt, sản phẩm đồ thủ công...

Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao, được tổ chức mỗi năm hai lần, tại khu rừng thiêng đầu thôn, vào ngày cuối cùng của tháng Giêng (Đẳng đổng mai) và ngày cuối cùng tháng Năm (Đuổn chặc). Lễ cúng vào mùa xuân được thực hiện tại gốc cây mẹ (nắc minh nhừng) - thần rừng vợ, cầu cho vật nuôi không bị dịch bệnh, ốm chết (sau lễ cúng sẽ cấm “bang”, cấm bản 3 – 4 ngày). Lễ cúng vào mùa hạ được thực hiện tại gốc cây bố (na bu gio) - thần rừng chồng, cầu mong thần rừng phù trợ cho “người yên, vật thịnh”, cầu cho mùa màng tươi tốt, không cho gió vào làng, vào nương vào ruộng, bông lúa không trắng (sau lễ cúng không cấm bản)... Trong lễ cúng rừng mùa hạ, người biết làm các trò chơi dân gian được giao nhiệm vụ làm mặt nạ, cột đu, cà kheo, con quay, cầu lông gà, cầu tròn... để cộng đồng vui chơi sau ngày lễ. Mặc dù, tổ chức vào hai thời điểm khác nhau nhưng các nghi thức, nghi lễ được thực hiện giống nhau.

Trước ngày lễ, các chủ hộ tập trung tại nhà trưởng thôn để họp bàn, tính toán các khoản lễ vật, mức đóng góp, phân công công việc cho các thành viên và chọn 2 thầy cúng (là người trung tuổi, có uy tín, am hiểu và thực hành được nghi lễ cúng và ngôn từ bài cúng, gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc, có đông đủ con cái…). Chủ trì lễ cúng rừng là 2 thầy cúng mặc trang phục truyền thống đầu đội mũ hoặc cuốn khăn đen: 1 thầy chính và 1 thầy phụ. Thầy cúng chính chuẩn bị 1 cuộn vải mộc, 3 vòng bạc trắng, 1 thẻ hương, tiền vàng, rượu, muối, chậu, bát, đũa, chén..., tất cả để trong một chiếc gùi. Thầy cúng phụ dùng kéo gập giấy bản, cắt thành hình người để trang trí tại đàn lễ ở rừng cúng.

Theo quy định, mỗi năm luân phiên hai chủ gia đình chịu trách nhiệm mua sắm lễ, nấu nướng chính trong khu rừng cúng. Hai người này là người phụ trợ cho hai thầy cúng khi hành lễ với thần rừng. Hai người này khi chặt thịt, cắt lại 2 chân và đầu gà, chân phải buộc vào đầu gà, để thầy cúng phụ bắt thăm phân công nhiệm vụ cho những người giúp việc năm tiếp theo. Người nhận được chân phải có buộc đầu gà, làm người giúp chính, người nhận chân trái làm người phụ. Thông thường, người ta tìm chọn chủ gia đình của 2 dòng họ để ghép đôi và thực hiện luân phiên theo thứ tự, từ nhà đầu thôn đến cuối thôn. Hai người này chịu trách nhiệm sắm sửa lễ vật, nấu chín thức ăn phục vụ thầy cúng và chuẩn bị bày mâm để dân làng cùng ăn uống ngay tại khu rừng cúng. Trong lễ cúng rừng cấm, những gia đình có người thân hoặc có vật nuôi bị chết thì chủ gia đình không được tham gia, nếu không ma quỷ sẽ quay về làng làm hại người, vật nuôi, cây trồng trong thôn.

Thông thường lễ vật dân thần linh gồm: 2 con gà trống lông vàng hoặc lông đỏ, chân mập, mào đỏ tươi dựng thẳng và nặng từ 1 kg trở lên - một con cúng ở cây bố (thần rừng chồng) gốc cây nghiến cổ thụ phía trên, một con cúng ở cây mẹ (thần rừng vợ) gốc cây nghiến phía dưới; 1 con lợn đực từ 15 - 20 kg có lông màu đen; 1 sải vải mộc trắng (phàng khào); 2 chai rượu (lấu); vài nén hương (sảng). Ngoài đồ lễ chung, đại diện mỗi gia đình khi lên rừng cúng mang thêm một gói cơm, chai rượu để góp trong bữa ăn cộng đồng. Ngoài ra, những người chuẩn bị còn mang theo một bát gạo nếp để nấu cơm cúng, củi đun sẽ được lượm từ những cành cây khô trong rừng cấm (củi trong rừng cấm chỉ được sử dụng để nấu đồ cúng rừng trong dịp này).

Trong lễ cúng rừng cấm, thành phần tham gia là đại diện các gia đình trong thôn, mỗi gia đình một người phải là nam giới, không phân biệt tuổi tác, mặc quần áo chỉnh tề màu đen, đội khăn hoặc mũ, đi giầy hoặc dép, không được để đầu trần vì như vậy là bất kính với thần linh; người dân tộc khác không được tham gia; khi bước vào khu rừng, hạn chế nói chuyện và cấm nói to vì sợ làm động đến thần rừng, bị thần quở trách. Đến ngày cúng rừng, nếu bố không đi được thì con trai của gia đình đã có vợ, mới được đi thay. Tuy nhiên, hiện nay, con trai chưa có gia đình cũng được đại diện hộ tham dự thay bố. Trường hợp gia đình không có đàn ông, con trai thì chủ cúng rừng cấm sẽ gói phần đưa hai người phụ giúp mang về cho gia đình đó. Trong lúc các thầy cúng hành lễ, đại diện các gia đình trong thôn phải có mặt, ngồi ở phía sau.

Mỗi năm, vào ngày cúng rừng mùa hạ, tại khu vực hành lễ, cộng đồng chọn hai người sắm lễ vật, một người chính và một người phụ. Những người tham gia nghi lễ tập trung tại nhà thầy cúng chính. Hai thầy cúng xúc miệng, rửa mặt bằng nước thơm (lá cây rừng), uống vài chén rượu, mặc trang phục truyền thống, đầu đội khăn đen hoặc đội mũ, chân đi giầy. Trước khi đi, thầy cúng chính thắp hương ở bàn thờ thông báo với sư phụ việc mình đi làm cúng rừng và xin được phù hộ, hướng dẫn làm cho đúng, không bị thiếu hoặc sai sót. Tay trái thầy cầm vải mộc, tay phải cầm vàng hương đi trước dẫn đoàn; tiếp theo là thầy cúng phụ tay cầm thùng đựng nước; hai người gánh đồ lễ, người mang gùi, người mang chảo và những thành viên khác theo sau... Khi đến khu rừng thiêng, để gọn đồ lễ, mọi người cùng dọn dẹp sạch khu đặt bếp, đun nước mổ lợn, gà, người đi tìm lá chuối, người chặt cây, người bắc bếp, kiếm củi... Thầy cúng chính dùng dao chặt các cây nhỏ làm cọc, bắc đàn lễ ở gốc cây nghiến to - thần rừng chồng. Thầy cúng phụ vào rừng, chặt 2 tàu lá chuối, lót trên đàn lễ. Hai thầy tập trung cắm cọc, bắc dàn ngay tại gốc cây gỗ nghiến. Sau đó, thầy cúng phụ chặt 2 ngọn cây lá xanh, loại lá dai, để bày trên đàn lễ nhằm xua đuổi tà ma, sau đó dải lá chuối lên trên. Bên trên cắm một cây dài ngang chỗ đàn cúng để mắc vải mộc, bắc cầu đón thần rừng về dự lễ cúng rừng.

Sau khi dựng đàn lễ xong, thầy cúng phụ đặt 5 chén ngửa, chén ở giữa được đặt trên một chiếc bát úp, dùng giấy bản lót dưới mỗi chén, 5 chiếc bát, 5 đôi đũa, 1 chai rượu, 1 tập giấy vàng, 1 thẻ hương và quẻ âm dương, 1 bát nước.

Thầy cúng chính cúng ở cây bố, thầy cúng phụ cúng ở cây mẹ, cùng một thời điểm. Các thầy cúng dâng lễ vật còn sống (hiến sinh), rót rượu vào 5 chén thông báo mời thần rừng chồng về nhận lễ vật sống gồm có lợn, gà. Sau khi cúng hiến sinh, hai người phụ trách nấu nướng mang lễ vật đi giết mổ, nấu chín để thầy cũng bày trên đàn lễ dâng mời thần rừng chồng, thần rừng vợ hưởng ăn uống, phù hộ cho dân bản. Lợn mổ chặt thủ lấy cả mảng gáy, thân xẻ làm 4 phần đều nhau (2 miếng thân trước, 2 miếng thân sau), đuôi cắt rời, nội tạng cắt rời từng bộ phận. Gà mổ lấy nội tạng ra, để nguyên con. Thịt lợn chọn một miếng nạc thái miếng tẩm ướp, xiên và nướng trên than hồng, không được để cháy. Tất cả thịt còn lại được luộc chín, bày lên các đàn cúng. Sau đó, các thầy cúng cúng, lấy rượu vẩy ra xung quanh gốc cây và đàn lễ rồi cầm đũa chỉ vào từng món trên đàn lễ, xướng tên lễ vật để thần rừng nhận được.

Hương tàn, thầy cúng chính xem bói xương gà (đầu gà và chân gà), thông báo những điều hay, điềm gở của thôn thông qua quẻ bói để mọi người phòng tránh. Tiếp theo, hai thầy cúng nâng chén ngang mặt, miệng khấn xin thần rừng cho phép mọi người thụ lộc của thần, rồi cùng uống cạn 2 chén. Sau đó, mọi người cùng nhau nâng chén, chúc mừng buổi lễ thành công.

Sau vài chén rượu, thầy cúng chính (người trông nom rừng cấm) nhắc nhở mọi người những quy ước của thôn về việc bảo vệ rừng thiêng như cấm chặt cây, cấm chăn thả gia súc, gia cầm, cấm lấy củi khô trong rừng cấm. Người/nhà nào vi phạm sẽ bị phạt một con gà, một lít rượu. Đồng thời, thầy cúng chính cũng nhắc nhở mọi thành viên trong thôn tuân thủ những quy định của tổ tiên trong ba ngày cấm bang như sau: không ai được làm bất kể việc gì, không được vác cuốc ra đồng, không được lấy củi, chặt cây bẻ cành, không được lấy lá xanh ở trong rừng. Hết ba ngày kiêng kỵ (cấm bản - cấm bang), mọi người trở lại các công việc thường ngày. Nếu người nào vi phạm quy định, làm cho năm đó trong làng xảy ra dịch bệnh hay mất mùa, gặp những điều không may mắn, thì chính bản thân người đó cũng bị thần rừng trách phạt, ốm đau chữa không khỏi, nếu ốm nặng có thể bị chết, phải mời thầy cúng về giải tội, đồng thời, bị dân làng bắt nộp phạt. Hiện nay, người mang tội phải chuẩn bị một lễ làm lý, cúng thần rừng, gồm: một con lợn từ 10 kg trở lên, một con gà, rượu hương, mời thầy cúng vào rừng cấm, đặt lễ vật nơi gốc cây cúng thần rừng, thầy cúng sẽ mời thần rừng về chứng kiến, giải tội cho người vi phạm điều cấm kỵ. Khi việc giải tội kết thúc, trước anh em họ hàng, đại diện chính quyền thôn, người vi phạm phải hứa không vi phạm, và nếu sai phạm lần nữa thì không được vào rừng một thời gian.

Thầy cúng chính chọn người phục vụ lễ cúng năm sau bằng cách đưa chân gà cho người được chọn. Kết thúc lễ cúng, các thành viên ra về, mỗi người mang theo một phần thức ăn về cho gia đình, cùng vui hưởng lộc của thần rừng.

Sau đó, nhà nào cũng chuẩn bị bánh khúc, bánh dày, bánh chưng chay, mổ gà cúng Tổ tiên. Nam nữ thanh niên, trẻ em trai gái đều diện những bộ quần áo mới, một số chơi đánh én. Mọi người đi thăm hỏi nhau và uống rượu, ca hát trong ba ngày.

Lễ cúng rừng cấm của người Thu Lao là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng có lịch sử hình thành từ lâu đời, được trao truyền qua các thế hệ cho đến ngày nay. Hàng năm, cộng đồng duy trì, tổ chức lễ cúng theo truyền thống xưa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đồng bào. Lễ cúng cũng có một số biến đổi, để phù hợp với cuộc sống hiện tại, như ông chủ gia đình đi làm ăn xa vẫn có thể đóng góp và cử con tham gia, việc cúng xong cấm bản không còn kéo dài ngày như trước, mà chỉ kiêng 1 - 2 ngày là bắt tay vào công việc. Lễ cúng rừng giúp cộng đồng tăng cường tình đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm lao động sản xuất, đồng thời, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu. Nội dung và hình thức tổ chức lễ cúng rừng của người Thu Lao đã phần nào phản ánh được mối quan hệ chặt chẽ, sự gắn kết giữa rừng - nước - đất đảm bảo cho cuộc sống của mỗi một tộc người; tri thức bản địa hài hòa với môi trường, thể hiện qua cách lựa chọn địa điểm cho các nghi lễ, trò chơi diễn ra rất thân thiện với môi trường, cảnh quan xung quanh.

Với những giá trị đặc sắc mà người dân còn lưu giữ và thực hành, Lễ cúng rừng (Mủ đẳng mai) của người Thu Lao đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2067/QĐ-BVHTTDL ngày 13/6/2016./.

 
 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu