error image error image error image

Bãi Đá cổ - Di tích huyền bí nơi đất trời SaPa

16/12/2021 2628 0
Ngoài vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên hay sự đa dạng văn hóa thì Sa Pa còn được biết đến bởi những di tích lịch sử độc đáo. Đó chính là bãi đá cổ - di tích huyền bí ẩn sau những hòn đá tưởng chừng vô tri vô giác.

Bãi đá cổ đã có từ rất lâu đời và hiện hữu trong cuộc sống của người dân bản địa. Nhưng chỉ đến khi một nhà khảo cổ người Pháp (gốc Nga) tên là V.Goloubew phát hiện ra vào năm 1925, người ta mới bắt đầu nhìn nhận nó một cách khoa học nhất. Rất nhiều những nhà khoa học trong nước và thế giới đã cùng tề tựu về đây để lý giải những thông điệp bí ẩn. Thế nhưng cho đến nay, những thông điệp này vẫn còn nhiều điều khó lý giải.

Bản đồ khu chạm khắc đá cổ Sa Pa

Bãi đá cổ Sa Pa được chia thành hai bãi lớn và tập trung nhiều đá nhất đó là:

Bãi một ở cạnh Bản Pho cho đến gần lòng suối Mường Hoa. Số lượng đá ở đây tuy không nhiều nhưng hầu hết là những khối đá lớn, có khi lên đến 13m. Các tảng đá này có mật độ các hình chạm khắc khá cao, hình khắc cũng khá phức tạp. 

Bãi hai thuộc giữa vùng biên của hai xã Hầu Thào và Lao Chải, trên con đường ven từ đường lớn qua ruộng bậc thang lên đến tận bản Hầu Chư Ngài. Bãi hai này có quy mô lớn với hơn 100 hòn đá cùng những hình khắc vô cùng đa dạng, cá biệt có những hình chỉ xuất hiện đúng một lần. 

Ngoài ra còn một số hòn đá đơn lẻ, hoa văn cũng khá tương đồng với hai bãi kể trên, xuất hiện ở vùng ngoại vi hai bãi như dưới chân Cầu Mây - xã Tả Van, xã Sử Pán cũ giờ là xã Mường Hoa, hay gần đây nhất ở xã Tả Phìn.

Hình ảnh một khối đá lớn tại bãi đá cổ Sa Pa

Gần 200 hòn đá phân tán rải rác chạy dài gần 4km, rộng 2km. Mỗi hòn đá có kích cỡ và những hình thù khác nhau. Trên mỗi phiến đá lại có những ký tự, những hình vẽ không dễ lý giải. Đó chính là sức hấp dẫn của vùng đất này. Cái khó lý giải và nhiều tranh cãi bao giờ cũng khơi dậy sự tò mò và khát khao khám phá trong lòng du khách thập phương mỗi khi đến với nơi đây.

Nếu nhìn tổng thể, những hình chạm khắc trên đá có thể quy ra những nhóm chính như: hình tròn có khắc thêm vạch tương tụ giống hoa văn thời Hoa Lộc, có thể đó là tượng trưng cho mặt trời; hình vuông, chữ nhật đục chìm như nói đến hình nhà sàn; các đường song song như đang nói về các quẻ kinh dịch; hình khắc hình người với những nét sơ giản, có nhiều biểu tượng phồn thực thường thấy trong tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp hay các hình công cụ sinh họat hàng ngày như cối xay, bánh xe, guồng nước… cùng với hình nhà, có khi khắc riêng, có khi điểm xuyết vào các hình thắng đồ.

Bản dập hình khắc cối xay trên bãi đá cổ Sa Pa

Ngoài ra còn xuất hiện một số dấu hiệu của chữ viết ở trên những hòn đá riêng biệt hoặc ở một góc riêng biệt trên hòn đá có khắc hình. Độ nông sâu của nét khắc hình và nét khắc chữ khác nhau chứng tỏ những lớp thời gian văn hóa khác nhau đã phủ lên đá gốc. Đa số những hình này đều mang đậm chất tư duy đơn giản, xuất phát từ những điều đơn giản trong cuộc sống hàng ngày liên quan mật thiết tới tự nhiên.

 Bản dập có hình người và nhà sàn trên đá Sa Pa

Điều đó càng cho họ niềm tin sắt đá về một lịch sử đáng tự hào của gốc tích tổ tiên để lại trên từng phiến đá là có thật. Họ còn cho rằng, nhiều những tục lệ ngày nay vẫn còn giữ lại, hay các nghi lễ cúng tế là hiện thân cho lời nguyền sau những phiến đá để lại. Mọi giả thuyết đều còn đang được để ngỏ, nhưng có điều chắc chắn rằng, con người đã tồn tại ở nơi đây từ khá sớm.

Giữa vô vàn những tảng đá in hằn dấu tích lịch sử, du khách nào cũng đặc biệt chú ý tới hai tảng đá nằm trong tổng thể bãi đá cổ của thung lũng Mường Hoa bởi chúng gắn liền với truyền thuyết đẹp về câu chuyện tình yêu của một đôi trai gái. Họ yêu nhau nhưng bị ngăn cản bởi sự tranh chấp giữa hai bộ tộc, rồi dính lời nguyền hóa đá khi không thể chạy trốn được khỏi núi Mường hoa vào ngày thứ 10 vì cô gái trong lúc chạy trốn bị mắc kẹt ở vũng sình lầy. Chàng trai chạy thoát nhưng vẫn quay về phương Bắc - nơi người yêu còn ở đó rồi hóa đá (Hòn đá Bố). Còn cô gái đã hóa đá, đầu quay về hướng Nam như cố chạy theo chàng (Hòn đá Mẹ).

 Hình ảnh Hòn đá Mẹ trong truyền thuyết

 

Hình ảnh Hòn đá Bố trong truyền thuyết

Người già trong vùng nói rằng hai tảng đá hình như vẫn lần tìm đến nhau. Ở phía phải và trái của hai tảng đá vẫn tồn tại hai cánh rừng nhỏ, cả hai cánh rừng đều có những cây cổ thụ và có hai miếu thờ, một của đồng bào Giáy, một của đồng bào Mông, thờ mối tình chung thủy của chàng trai, cô gái. Nhiều người dân địa phương còn giữ quan niệm rằng, đó là biểu tượng cho một gia đình ấm cúng, hạnh phúc và no đủ. Như thế cũng có nghĩa là người dân nơi đây luôn đoàn kết một lòng, gắn bó với nhau và cùng làm nên sự sống và sự phát triển cho vùng đất này.

Sự hấp dẫn của bãi đá cổ không chỉ có giá trị lịch sử hay những truyền thuyết lưu lại lâu đời mà còn là cung đường ngoằn ngoèo vắt ngang qua núi trải dài đẹp như một bức tranh nghệ thuật. Ở miền sơn cước này, bà con có thói quen bám vào những dòng suối như thế để sinh sống bao đời. Ở đâu có suối là ở đó có sự sống, cảnh vật hồi sinh, con người phát triển. Chính vì thế, men theo dòng suối Mường Hoa ẩn nấp rất nhiều khối đá lưu lại dấu vết của con người thửa sơ khai nơi đây.

Khung cảnh thơ mộng nơi có những phiến đá cổ

Đi sâu xuống bản làng, du khách sẽ thấy một khung cảnh vô cùng yên bình nơi những thiếu nữ thong thả ngồi thêu áo váy bên vệ đường, tụi trẻ nô nức vui đùa chạy quanh những phiến đá lớn bên cạnh những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh xinh được làn mây trắng bao phủ. Cuộc sống bao đời nay vẫn thanh bình như thế và họ kể cho con cháu mình nghe những câu chuyện cổ tích của xứ mình.

Du khách checkin ngoài hàng rào bảo vệ bên hòn đá cổ Sa Pa

Bích Ngọc

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu