error image error image error image

Ẩm thực độc đáo ngày tết của người Tày

27/01/2023 1102 0
Người Tày Bắc Hà rất chú trọng đến việc chuẩn bị các món ăn ngày Tết. Bởi đây không chỉ đơn thuần để chuẩn bị để gia đình sử dụng hay mời bạn bè, người thân mà còn thể hiện nét đẹp truyền thống và mong cầu một năm mới thật nhiều may mắn.

Mỗi món ăn ngày Tết đều thể hiện nét văn hoá độc đáo và ý nghĩa riêng của dân tộc mình. Trước tết bà con tất bật chuẩn bị gạo, mộc nhĩ, măng khô, lạp sườn, chọn những con lợn to nhất để làm thịt treo lạp sườn, chuẩn bị lá dong và gạo nếp để gói bánh chưng đen, làm bánh dày, chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, giấy và vàng mã…

          Chiều ba mươi Tết, mọi việc trong nhà đã chuẩn bị xong, bữa cơm tất niên cúng tổ tiên được chuẩn bị khá tươm tất: Bánh chưng đen, thịt vịt (vì theo quan niệm của người Tày Nùng ăn vịt vào ngày này để bỏ đi mọi thứ không may mắn trong năm cũ và khi ăn không để thừa sang năm mới), thịt gà, cá nướng, xôi màu, canh miến mộc nhĩ... Sau khi đã làm xong các công việc, cả nhà quây quần bên mâm cơm tất niên chiều 30 tết vui vẻ, đầm ấm.

Bánh chưng đen – món ăn không thể thiếu trong ngày tết của người Tày

Vào ngày mùng một tết, mâm cỗ người Tày cúng gia tiên không thể thiếu gà trống thiến, ngoài ra còn có thêm bánh chưng, bánh dày,  xôi màu hoặc xôi nếp Khẩu rang, rượu, vàng hương, hoa quả, bánh kẹo... cầu mong gia đình gặp nhiều may mắn, bình an, khỏe mạnh. Món xôi màu được người Tày chế biến khá công phu: Gạo nếp được nhuộm thành các màu xanh, đỏ, tím, đen rồi trộn các lọai với nhau thành gạo nhiều màu. Gạo được nhuộm từ nhiều loại lá cây khác nhau như màu đen được nhuộm từ than cây “lúc nắc” màu tím nhuộm từ lá “cẳm", màu vàng từ hoa “phón” . Bánh dày cũng là món ăn đặc sản, hương vị tết riêng của người Tày Bắc Hà. Người Tày làm bánh dày có hai loại, một loại bánh có nhân đỗ trộn với mật ong hoặc đường, một loại bánh không có nhân. Bánh dày làm công phu nhưng để được rất lâu. Bánh dày có thể mang đem rán song ngon nhất là mang bánh dày nướng trên bếp than hồng, khi chín, bánh phồng lên, màu ngả vàng, tỏa ra mùi thơm ngây ngất hương vị vùng cao.

Thịt treo gác bếp đượm hương vị núi rừng trong ngày tết

Ngày mùng hai tết, người Tày đi chúc tết gia đình bên ngoại. Lễ vật gồm con gà trống thiến, cặp bánh chưng, chai rượu, hoa quả; chiều mùng ba Tết làm cơm cúng, hóa vàng tiễn tổ tiên về trời.

Các món ăn ngày Tết của người Tày thể hiện đậm nét văn hoá truyền thống độc đáo, món ăn không chỉ hấp dẫn về hương vị mà còn có hình thức bắt mắt. Với người Tày chuẩn bị những món ăn hấp dẫn cho mâm cỗ ngày Tết chính là cách để lưu giữ nét đẹp văn hoá của dân độc cũng như thể hiện ước muốn cầu mong có một năm mới may mắn và bình an.

Phan Thanh Nhàn

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu