error image error image error image

Nghi lễ Then dân tộc Tày

23/03/2018 21613 0
Nghi lễ Then dân tộc Tày

Nghi lễ Then xuất hiện cùng với sự tồn tại của người Tày, không ai biết rõ Nghi lễ Then có từ bao giờ. Nghệ nhân dân gian Hoàng Thị Cứ - xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên cho chúng tôi biết: Nghi lễ làm Then và hát Then có từ thời cha ông, cách bà 9 đời rồi. Nghi lễ Then là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang đậm chất tâm linh và huyền bí, thể thể hiện các các loại hình diễn xướng dân gian từ nghệ thuật ngôn từ, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghệ thuật âm nhạc, diễn xướng,… gắn bó sâu sắc với đời sống tinh thần người Tày tỉnh Lào Cai.

Nghi lễ Then là hiện tượng con người tự thôi miên để đưa mình vào một trạng thái ảo giác đặc biệt và chỉ ở trạng thái này mới được coi là con người có khả năng giao tiếp với thần linh. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng này, mà chỉ một số ít người có "năng lực" khác thường nào đó mới có thể đảm nhận được chức năng giao tiếp với thần linh. Đó là những ông Then, bà Then làm nhân vật chính trong nghi lễ trình diễn Then. Hiện nay nghi lễ Then người Tày Lào Cai vẫn được duy trì và tồn tại, song có một số Nghi lễ Then đặc biệt như Lễ Pang luông (tức Then cấp sắc) của người Tày Lào Cai đã bị mất đi, chỉ còn các Nghi lễ Then nhỏ như Then giải hạn, Then gọi vía, Then cầu an.... tồn tại ở các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng, Sa Pa, Thành Phố Lào Cai. Sở dĩ Nghi lễ Then Tày tồn tại đến ngày nay bởi sự tin tưởng của người Tày và sức mạnh của các thầy Then và sự linh thiêng của thần linh, đồng thời Then và Nghi lễ Then còn phản ánh được nhiều bản chất đặc trưng trong văn hóa Tày. Nguyên nhân để tổ chức nghi lễ Then có nhiều nhưng chủ yếu là do con người bị ốm yếu uống thuốc chữa bệnh mà không khỏi. Người Tày thường tổ chức vào dịp đầu năm, đầu xuân để cầu lộc, tài và sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Then của người Tày chứa đựng những yếu tố Sha man giáo. Cả hai hình thức này đều là nghi lễ diễn xướng nghệ thuật tổng hợp gồm có hát, nhạc, nhảy múa, trang phục với hai hình thức chính là "thoát hồn" và "nhập hồn" cùng hướng tới mục đích chữa bệnh, giải hạn, trừ hiểm hoạ, cầu tự, ban phúc lộc... Nói chung cả hai loại hình nghi lễ trên nảy sinh là do nhu cầu mong muốn cuộc sống bình an, tốt đẹp của con người. Ngoài ra, nó còn đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hoá nghệ thuật và tâm linh tín ngưỡng trong cuộc sống hàng ngày của những người theo tín ngưỡng dân gian này. Ông Then, bà Then đảm nhận chức năng trung gian giữa thế giới trần gian và thế giới thần thánh, giữa người sống và người chết là những người có "khả năng đặc biệt" khác thường.

Người Tày ở Lào Cai có 02 giới hành nghề làm thầy Then, thứ nhất gọi là ông Then, thứ hai gọi là bà Then. Về cơ bản nội dung lời Then cổ người Tày khi ông hay bà Then hát đều giống nhau, cách thức tổ chức từng bước (chung một lễ như lễ gọi vía tìm hồn) là như nhau. Dù là ông Then hay bà Then đều có chức có quyền như nhau, người nào được mời đi làm Then cúng giúp cho gia đình thì người đó lắm lộc, người đó là thầy Then giỏi, có tiếng tăm và được nhiều người mời đi giúp gia chủ. Trong Then người Tày phân chia thành cấp bậc thầy khác nhau: người Tày chia ra làm hai loại: Một là thầy Bụt (có thể là ông hoặc có thể là bà) là người hành nghề làm Then sử dụng đạo cụ chính là chiếc quạt và chùm chuông nhạc, ngoài ra họ còn mặc trang phục áo dài màu đỏ hoặc vàng, xanh. Người Tày ở Lào Cai còn gọi họ là thầy Then quạt. Chức năng chính của Bụt làm thầy cúng chữa bệnh, gọi hồn, đón vía ở cấp thấp (trường hợp những người ốm đau hoặc bệnh nhẹ). Nghi lễ và lễ vật trong khi tổ chức làm Then Bụt có phần đơn giản. Lời Then của Bụt thường kéo dài và phải đi vòng vì lượng quân âm binh của Bụt là ít hơn Then sử dụng đàn Tính tẩu. Hai là thầy Then Tính tẩu. Thầy Then sử dụng đàn tính tẩu là Thầy Then ở cấp độ cao hơn, thầy có quyền hành điều được nhiều quân âm binh trong quá trình đi tìm via, gọi hồn, cúng chữa được các bệnh nặng,... Mỗi lần cấp sắc là một lần sát hạch để thăng cấp cao hơn, có uy tín hơn trong làng Then và trong con mắt của cộng đồng làng bản nói riêng và đồng bào Tày nói chung. Lần đầu được cấp là cấp chứng chỉ vào hành nghề. Những lần tiếp theo là cấp chức sắc. Và cấp cao nhất của Then gọi là Lễ cấp sắc, người Tày Lào Cai gọi là lễ Pang luông. Khi thầy Then muốn thăng cấp học lên cao để làm thầy to hơn thì phải tổ chức lễ “Pang luông”. Trước đây, Lễ Pang luông vài năm diễn ra một lần theo khả năng của nhà thầy Then. Phần lễ là các bài cúng dâng lễ cho các loại ma bậc thiên tổ, phần hội là phần vui chơi, múa xoè, hát yếu, chúc tụng, ăn uống, tế lạy. Lễ hội diễn ra trong phạm vi một gia đình nhà Thầy Then, với nhiều thành phần tham gia như: mời các vị Thầy Then trong vùng đến dự, Quan láng, Báo chay, Nàng hương, Nàng khiển, Nàng hầu, các vị Mo bản, Mo thôn, Mo mường, các bậc quan chức đường dương, bà con họ hàng, anh em, làng xóm, thông gia, các loại con nuôi và một bộ phận chuyên bếp núc nấu ăn. Hình thức nghi lễ long trọng, đúng tục lệ, rất vui tươi. Lễ “Pang luông” là dịp để mọi người được đến với nhau ở trạng thái vui vẻ, khoẻ là dịp trao đổi kinh nghiệm cuộc sống, sản xuất, giao lưu văn hoá nghệ thuật,... Các nhạc cụ như: tính tẩu, bộ chũm choẹ, bộ gỗ quạt,… các trò vui như lắc lư của quan láng, dậm thuông nam nữ thanh niên nhân lễ hội để trao duyên, hẹn ước với nhau đến hội pang sau, các lễ hội khác trong vùng lại gặp nhau cùng vui, cùng hưởng... Sau Lễ Pang luông, Thầy Then được tôn vinh, tinh thần mọi người được ổn định, phấn chấn ai cũng tin tưởng ở ngày mai cuộc sống sẽ yên bình, ấm no, hạnh phúc. Công tác chuẩn bị cho Nghi lễ Pang luông khá kỹ lưỡng và cầu kỳ. Người được làm lễ cấp sắc phải tu sửa nhà cửa, tân trang lại nhà cho đẹp, sạch sẽ,... Chuẩn bị các bát nhang, làm các thư hoa én, sảng yến bằng giấy ngũ sắc để treo lên trần tịch, các bàn treo, ghế treo, trong tịch như vòm các hang động để khi thực thờ trang trí vào trông vừa linh thiêng, vừa huyền ảo. Có các loại lễ vật như: Lễ vật thể hiện cho săn bắt là động vật hoang dã sông núi rừng, sông suối như hươu nai, lợn rừng, chuột sóc, dúi, nhím, chim, gà rừng, cá suối... Nếu không có vật thật thì lấy củ nâu, củ chuối làm giả như như thật để khi cúng thầy xướng có tên con vật như thật là được. Lễ vật thể hiện cho hái lượm là các loại rau, lá rừng ăn được như lá mạ non, rau bấc, rau dớn, ngọn lau, chuối rừng,... hái về cho vào ống nứa non, lam chín. Lễ vật thể hiện cho chăn nuôi là trâu, bò, lợn, dê, gà, vịt, ngan, ngỗng, cá chép, cá diếc... nuôi ở ao ruộng. Các lễ vật này là món đồ lễ chủ đạo vừa để dâng lễ và dùng vào bữa ăn của ngày đại pang. Lễ vật này còn trích một phần làm quà biếu, trả công cho những người tham gia đám pang... Do vậy gia đình Then chủ phải mổ vài con lợn hoặc con trâu, dê cho đủ dùng trong những ngày tổ chức. Các con vật đều làm làm giả bằng giấy vì theo quan niệm, khi lấy vật dâng lễ, ma bắt hết hồn vía nó đi, không thể nuôi được nữa, do đó làm vật giả, khi xong hoá vàng hết. Các lễ vật thể hiện cây trồng là lúa, các loại rau trong vườn như rau cải, rau bí, các loại quả, củ như bí, đu đủ, khoai sọ... các loại bánh như bánh dầy, bánh khô, bánh chưng, các loại rượu, cơm xôi 7 màu... Các lễ vật thể hiện cho săn bắt, hái lượm lấy lá chuối hoặc lá dong về trải trên dát rồi bày riêng ở vị trí đầu tiên. Các lễ vật thể hiện cho nuôi trồng, bày mâm trong đặt bày trên chiếu, vật nuôi bày mâm gỗ, rau quả bày trên mâm mè (đan mắt cáo bằng cây nứa vuông, mười nan, rộng tầm 40m). Lễ cúng, lễ pang người ta bày trên mâm nứa, gỗ, không bao giờ bày trên mâm nhôm, mâm đồng, vì mâm kim loại là hung khí sát nhân, nghề cúng là cứu nhân, chữa bệnh cứu người, đó là điều kiêng cấm. Các lễ vật phụ gia, giải trí như trầu cau, vôi, thuốc, nước chè, ống điếu... được xếp bày ở vị trí trang trọng. Chủ nhân thầy Then, Một (Bụt)... là người trực tiếp hành nghề cúng bái, thầy các đám ma, tên theo gọi của nhà Then là “Cướng Then, Cướng Thầy, Cướng Một”, khi ma nhập vào họ tự xưng là “Thằng Cường”. Nhiệm vụ của “Thằng Cường” chủ động đề xuất tổ chức lễ Pang luông. Quan láng: là một người rất giỏi về nghề cúng bái biết nhiều kiểu cúng, chuyên làm mỗi việc là cúng lễ pang của nhà thầy Then, tổ thư thờ cái ống nhang lên vách, không lập “táng tịch”. Nàng Then: là vợ của thầy Then hoặc thầy Bụt (Một). (Nếu là thầy Then nữ, người chồng gọi là chàng Then). Nàng Then lo tất cả vật phẩm, điều hành người giúp việc, lo chạy chọt, mời bảo, thầy khách theo quy mô của lễ Pang. Nàng Hương: mỗi lễ Pang luông có hai người phụ nữ hoặc con gái xinh đẹp, nết na, nhanh nhẹn, duyên dáng... người ngoài nhà thầy Then ở trong họ hoặc ngoài họ đều được. Nhiệm vụ của Nàng hương là luôn ở bên cạnh thầy và quan láng để thay nhau thắp hương đèn, nến trong suốt lễ pang. Nàng Khiển, Nàng Thuông: các đám pang thường chỉ cần hai người, còn lễ Pang luông cần đến tám người. Tiêu chuẩn cũng như Nàng hương, nhiệm vụ chính thay nhau làm hai việc: tiếp tâu các vị thầy Then, thay nước, rượu thờ trong tịch, án hương mời nước, trầu, rượu các quan khách. Nhiệm vụ thứ hai là dậm thuộng (nhảy thuông) múa xoè theo từng đoạn đưa lễ (theo lời hát Then), vui chơi trong cuộc hành trình dâng lễ do Quan láng xướng khắp và điều hành. Trình tự diễn biến của lễ Pang luông người Tày xã Vĩnh Yên, huyện bảo Yên giống như một bản trường ca dài và mang nhiều giá trị. Phần lễ và hội xen kẽ với nhau theo từng chặng đường dâng lễ. Phần lễ Pang luông: Bắt đầu là lễ Khao thấu (cúng thần vùng), gia chủ phải chuẩn bị mâm lễ có kim ngân vàng bạc gồm: một vuông vải xô trắng bày khắp mặt mâm vuông (40m2). Trên đó chính giữa rắc một chén gạo trắng đặt chếch giữa nửa một vòng cổ tay bằng bạc trắng. Đầu mâm bày 5 cái chén để rót nước chè đậm, tiếp đó là 5 xếp lá trầu không mỗi xếp vài lá, quay ngọn lên đầu mâm, lá rên cùng có quét vôi, một miếng vỏ khoai vài sợi thuốc lào. Phía cuối mâm gấp 5 cái băng bạc bằng quả chuối nhỏ, và một xếp giấy vàng mã, tiền âm phủ (nếu có). Ngoài ra còn có mâm cỗ tạp, làm 5 mâm (4 mâm thịt, lòng chín, 1 mâm chính giữa một ít thịt đầu lưỡi, đuôi chi con lợn nhỏ), các mâm thịt ít nhiều tuỳ người bày, nếu vài miếng khi cúng xong hất tung cả mâm đi, nếu bày nhiều mỗi mâm lấy vài miếng vứt ra bãi cỏ, số còn lại lấy về chế biến lại để người dùng. Lập đàn tế khao thần (cúng thần): tại một mảnh đất trước cổng vào nhà, trải lá rừng trên đó trải hai chiếc chiếu (có đám dựng dàn ba cấp, có lễ trải chiếu xuống đất).

Trên đầu chiếu là mâm kim ngân vàng bạc. Tiếp đến là các mâm thịt, đầu lợn, hàng thứ ba là các mâm đồ chay. Trên cùng trước các mâm cắm năm que hương xuống đất (tất cả đều dùng đến năm thứ vì lễ cúng này phải mời đến năm loại ma thần đó là: thổ công, thổ địa; mật mãnh ma hoang; các thần gò đống ở phần bản; các thần hà bá sông nước; thần các núi cao, hang động, cây cổ thụ ở các dãy núi cao quanh vùng). Tất cả các loại thần đến có mâm riêng, chỉ bày năm chén, năm đôi đũa, còn nếu loại nào nhiều thì ăn bốc hoặc luân phiên chia nhau dùng. Thầy cúng khao thần: mỗi bản có một ông Mo chuyên cúng thần ở từng bản, nhà Then ở bản nào thì mời Mo ở bản ấy, hoặc ông Tào Mường đảm nhận phần lễ này. Lễ động nhà: ông trưởng họ hay chính ông thầy Then với cương vị là chủ nhà báo cho tổ tiên (ma tổ) của cả họ tộc mà nhà này đang tôn thờ (không phải tổ thư) ở các ống nhang bằng nứa cài trên vách gian thờ. Con cháu thông báo cho tổ tiên biết, tổ tiên sẽ phù hộ cho thằng Cường và gia tộc làm việc này được thuận lợi; được tốt đến ngày giờ này ngày mai sẽ có cỗ lễ dâng lên cúng bái tổ tiên. Phần hội trước lễ Pang luông: Các trò múa thuông (dậm thuông, xoè thuông) của Nàng hương, Nàng khiển, Báo thuông và khán giả là những người ưa chuông văn nghệ... khi mở hội chủ nhân lĩnh chùm nhạc, gắn vào các ngón tay của cả hai bàn tay, rung mạnh từ cửa tịch đi ra, đi ba vòng theo chiều kim đồng hồ, đến cửa tịch dừng lại, quì xuống, quay mặt lên tịch, rung nhạc vái ba vái, sau đó trao cả hai chùm nhạc cho Nàng Then. Nàng Then cầm lấy nhạc từ thằng Cường (người chồng làm Then), rung cho thật vang nhộn, đi vòng tròn tiếp ngược vòng trước của thằng Cường, đi đến đâu gặp các Nàng Thuông, Báo Thuông, mời họ đến nhận lấy các chùm nhạc, các bó hoa, khăn hoa... bày trên chiếu trước cửa tịch rồi nhảy thuông theo từng động tác mà Nàng Then đang thực hiện. Được vài vòng khi khu vực nhảy đã cảm thấy trật rồi, Quan láng bắt đầu diễn xướng lời khắp sang thuông để vừa hướng dẫn, vừa nhảy múa cho số người tham gia xoè thuông. Lúc này Nàng Then trao nhận cho một Nàng Hương thay mình đi đầu cho các trò xoè, còn mình rời sân nhảy đến nhận một khay trầu têm và hướng dẫn cho hai Nàng Khiển đến mời trầu cho từng vị khách và các bà mẹ đến dự vui hội, ai cũng được nhận một miếng trầu thơm của lễ hội. Xong việc đó, Nàng Then đi cảm ơn một lượt những người đến tham dự lễ. Động tác xoè thuông diễn ra 20 phút, hết các động tác múa xoè, tất cả mời tên ra, để Quan láng chuyển mục chơi, trò múa đầu tiên ấy gọi là thuông khai pang. Các loại thần, ma trong lễ Pang luông được phân ra làm hai thế lực: Thế lực được hưởng lễ vật do Pang luông dâng: Tập đoàn thần thánh ở Mường Thiên do Ngọc Hoàng Thượng Đế đứng đầu. Thế lực thực hành lễ dâng pang: Bao gồm các vị tướng chỉ huy toàn tuyến, các vị quan chỉ huy từng mặt, lực lượng binh luông, binh mã, dân binh, phu phen tạp dịch, lực lượng này luôn thường trực ở một thành phố được gọi là Thanh Lâm, Thanh Lý (phố ở trong miền rừng núi, hang động, nằm ở đầu đường có mười hai tuyến đi các nơi, không của riêng vị thầy Then nào, ai nhờ đến là xuất quân đi ngay để giúp việc diệt trừ ôn tà, ma dữ, cứu người, cứu muôn dân bách tính theo yêu cầu của người điều hành. Diễn biến chính nghi lễ Pang luông: Lễ này do Quan láng điều hành, diễn ca bằng lời khắp Then, bằng thơ xen giữa lời Tày, có một số đoạn, cân bằng lời người Kinh. Thứ tự các bước như sau: Bước 1: Nhờ hương đi mời tổ thư, pháp thư, tướng quân binh để thực hành lễ. Bước 2: Chuẩn bị hành lễ dâng pang. Bước 3: Điệu lễ dâng Pang lên tận các vị ở trên Mường trời Bước 4: Đoàn rước dâng lễ đi qua ba tầng không gian. Bước 5: Lễ hội vào cuộc ăn uống liên hoan để chúc tụng, thăm hỏi nhau... Hát Then là hình thức diễn xướng đặc trưng của cộng đồng người Tày, Nùng. Hát Then của người Tày Lào Cai có hàng trăm bài với nhiều trường đoạn diễn tả nhiều hoạt cảnh khác nhau nhưng mang đầy nét quyến rũ, hấp dẫn được người xem và cả những người tham gia hành lễ. Trong diễn trình của nghi lễ Then, các Nàng Khiển giúp thầy Then dâng, thắp hương phải có hương việc thực hiện các nghi lễ Then và hát Then mới tiến hành được. Khi hát, thầy Then nhờ hương đi mời tổ thư, pháp thư nhà thầy xuống giúp cho việc hành lễ Pang luông - cấp sắc cho thầy Then. Bài mở đầu (bài thứ nhất), bao giờ cũng là bài hát kể về sự tích cây hương “Sôi hương”: (Tuy nhiên mỗi thầy Then khi hát có sự khác nhau). Nghi lễ Then được tổ chức trên sàn và dưới gầm sàn nhà của người Tày. Ngoài ra còn tổ chức ở một khu ruộng bằng phằng nằm ở giữa làng. Phần nghi lễ Then chủ yếu thực hành trên nhà là chính, gia chủ phải trang trí từ cửa tịch trong nhà đến cửa hoa cho đến chỗ ngồi của thầy Then, làm thang dao bắc cầu để thầy Tào cấp sắc cho các thầy Then. Các trò diễn, trò chơi, múa, hát Then được diễn ra trong không gian ngôi nhà. Những người dân đến xem đều trật tự xem và lắng nghe lời hát Then của thầy Then. Phần hội như đánh yến (én), tung còn được thực hiện ở ngoài bãi bằng, phần này được thể hiện sau khi nghi lễ kết thúc. Đây chính là không gian sinh hoạt văn hóa đặc sắc trong nghi lễ Then của người Tày.

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu