error image error image error image

Tìm hiểu tục kéo vợ của người Mông

25/10/2019 9219 0
Kéo vợ là nét văn hóa độc đáo của người Mông. Khi đôi trai gái tìm hiểu, ưng cái bụng thì họ sẽ hẹn ngày kéo cô gái về nhà chàng trai. Vào dịp cuối năm hoặc đầu xuân đến Lào Cai bạn sẽ có cơ hội được tận mắt chứng kiến phong tục này.

Tiếng Mông gọi tục kéo vợ này là hái pù (hái –kéo, pù – vợ). Có người không hiểu thì cho rằng đây là bắt vợ hoặc cướp vợ, là hủ tục bắt ép người con gái về làm vợ là lên tiếng kêu gọi xóa bỏ. Nhưng mấy ai biết được thực chất bên trong phong tục này ẩn chứa những ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Các đôi trai gái thường tự nguyện tìm hiểu, hẹn hò trước khi diễn ra cảnh kéo vợ mà ta thường thấy. Khi nào cả hai thấy tình cảm chín muồi, cả đôi bên đều ưng cái bụng thì họ mới hẹn ngày để kéo cô gái về nhà chàng trai.

Chàng trai có thể kéo vợ ở bất cứ ở đâu như ngoài chợ, trên nương, trong nhà cô gái… Khi kéo vợ chàng trai sẽ nhờ bạn bè, anh em đi giúp đỡ mình. Chàng trai cầm tay cô gái và nói muốn kéo cô về làm vợ. Cô gái khi được kéo dù đã thích chàng trai, đã hẹn ước nhưng lúc đầu đều chống cự lại. Chàng trai và bạn sẽ nhấc bổng cô gái lên để có thể kéo đi dễ dàng và cô gái không bị đau trong lúc giằng co.

Khi đưa được cô gái về nhà chàng trai, cô gái sẽ ở một phòng riêng và có một người em gái canh giữ không cho bỏ trốn, đồng thời khuyên nhủ cô gái nên lấy chàng trai làm chồng. Sau ba ngày nếu cô gái đồng ý làm vợ chàng trai thì nhà trai sẽ mang rượu sang nhà gái nói chuyện với bố mẹ cô gái và xin cưới.

Cũng có những trường hợp chỉ chàng trai thích cô gái đó và nhờ bạn bè giúp kéo về làm vợ. Tuy nhiên sau khi ở nhà chàng trai 3 ngày, nếu cô gái không đồng ý lấy chàng trai làm chồng thì được bỏ về nhà mình mà không gặp sự ép buộc nào. Khi đó chàng trai phải mang tiền sang nhà cô gái nộp phạt và mang theo gà, rượu để ăn với nhà cô gái một bữa cơm. Trong bữa cơm đó cô gái và chàng trai sẽ uống với nhau một chén rượu, với ngụ ý là từ nay họ sẽ làm bạn của nhau. Kéo vợ của người Mông thực chất là một cách để chàng trai ướm hỏi cô gái có thực sự đồng ý lấy chàng trai làm chồng không.

Ngày nay, tục kéo vợ vẫn được duy trì. Tuy nhiên các chàng trai, cô gái tìm hiểu nhau trước và cùng nhau về nhà, khi gần đến nhà thì chàng trai cầm tay cô gái kéo đi để làm lí. Phụ nữ người Mông rất sợ tục kéo vợ không còn. Họ cho rằng nếu không kéo vợ thì tiếng nói của người phụ nữ trong gia đình không có giá trị. Theo lí của người Mông nếu kéo vợ về thì bố mẹ chàng trai sẽ biết đó là con dâu họ. Và khi hai vợ chồng có xích mích nhau thì người vợ sẽ có lí để nói chồng là “mày không thích tao sao mà còn kéo tao về làm vợ. Mày kéo tao về rồi sao còn mắng tao.” Khi đó người chồng sẽ phải im lặng. Còn khi cô gái tự nguyện theo về thì bố mẹ cho rằng đó chỉ là bạn bè về nhà chơi. Và khi hai vợ chồng có mâu thuẫn thì người vợ không dám cãi lại chồng. Vì thế cô gái Mông nào cũng mong muốn mình được kéo về làm vợ chứ không muốn tự nguyện đi theo chồng.

Kéo vợ (hái pù) là phong tục lâu đời của đồng bào Mông. Vào những ngày lễ hội đầu xuân hoặc các buổi chợ phiên các chàng trai, cô gái xúng xính váy áo mới, bước chân vui nhộn, tiếng lòng thổn thức hòa vào dòng người không chỉ là đi chơi hay mua bán mà đó còn là dịp để họ tìm gặp người yêu. Đây cũng là thời điểm thích hợp cho các chàng trai kéo vợ.

 

                                                                  Phan  Phượng (ảnh: Trung Kiên)

Related Post

Sample Plan