Huyện Bát Xát nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai, nơi có địa hình được kiến tạo bởi nhiều dải núi cao làm nên nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ. Bát Xát cũng là vùng đất giàu truyền thống văn hóa với các dân tộc anh em cùng chung sống như người Mông, người Hà Nhì, người Dao đỏ, người Giáy,… Bởi vậy, đến Bát Xát không thể bỏ qua 5 điểm đến sau:
Cột cờ Lũng Pô là địa danh được khởi công xây dựng năm 2016 tại nơi suối Lũng Pô chảy từ đầu nguồn gặp sông Hồng đúng tại cột mốc biên giới số 92 phân chia biên giới Việt – Trung. Đây không chỉ là địa điểm khẳng định chủ quyền của Việt Nam, nơi lưu giữ những trang sử thầm lặng nhưng chói lòa của vùng đất biên giới, mà còn có phong cảnh hùng vỹ đẹp nổi tiếng. Cột cờ Lũng Pô - nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Đi từ Lào Cai tới đây bạn sẽ mất khoảng 1h30 chạy xe ô tô. Tuyến đường hiện đã được nâng cấp nên rất thuận tiện cho xe đi lại. Bạn cũng có thể thuê xe máy từ TP Lào Cai để tới tham quan địa danh này. Giá thuê xe máy trung bình tại TP Lào Cai là từ 100.000 đồng/ngày (không bao gồm xăng).
Nếu như Y Tý nổi tiếng là thiên đường mây ở Việt Nam với cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, thì thôn Lao Chải ở trong xã Y Tý lại nổi tiếng với việc lưu giữ được những nếp nhà truyền thống của người Hà Nhì. Những nếp nhà người Hà Nhì vẫn được lưu giữ gần như nguyên vẹn. Homestay ở Lao Chải chính là những căn nhà trình tường độc đáo của người Hà Nhì: ấm mùa đông, mát mùa hè, nhà bốn mái nhìn xa như những cây nấm khổng lồ. Xung quanh nhà có rặng hoa và cây cỏ, hàng rào làm từ đá vụn ghép lại, đẹp một cách thanh bình và quyến rũ đến lạ. Khách du lịch tới đây ai cũng muốn dừng chân ngồi chơi, uống nước, nghe chuyện người Hà Nhì, có người muốn ngủ lại 1 đêm, có người lại muốn ở lại chơi mấy hôm mới về.
Cầu Thiên Sinh nằm ở cuối thôn Lao Chải, cách trung tâm xã Y Tý khoảng 10km. Đường đi ở đây hiện đang được nâng cấp tuy nhiên vào những ngày trời mưa, đường đi có thể có một chút khó khăn do vậy bạn cần lưu ý tới thời tiết trước khi có ý định đi tham quan khu vực này.
Cầu Thiên Sinh với ý nghĩa là trời sinh, được xây dựng trên một khe suối hẹp xuất phát từ đâu đến nay cũng không ai rõ. Thế nhưng chỉ một khe suối hẹp đó, khi chảy qua cầu đã tạo thành dòng suối thác rất lớn, dòng chảy mạnh, đặc biệt là vào những ngày có mưa. Bởi vậy, khi tới đây không khí vô cùng trong lành và dễ chịu.
Cầu Thiên Sinh cũng là nơi có cột mốc biên giới 87 Việt Nam – Trung Quốc. Tới đây, chỉ vài bước chân là bạn đã đặt chân sang bên kia biên giới huyện Kim Bình, Trung Quốc. Đây cũng là trải nghiệm khá thú vị với nhiều bạn trẻ. Còn với nhiều người, cảm giác rất dâng trào khi đứng giữa vùng biên giới nơi cha ông chúng ta đã hi sinh để giữ gìn.
Xã Dền Sáng nằm cách TP Lào Cai 54km về phía Tây Bắc theo đường tỉnh DT158. Nơi đây là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa của người Dao đỏ với những phong tục nổi tiếng như cấp sắc, nhảy lửa, cúng rừng,… nghề chạm khắc bạc truyền thống của người Dao Đỏ và chế biến lá thuốc từ cây rừng.
Hàng năm, người Dao Đỏ ở các thôn thuộc xã Dền Sáng đều tổ chức lễ cúng rừng với sự tham gia của toàn thể người dân trong thôn để cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người khỏe mạnh, bình an, vật nuôi lớn nhanh… Ở Dền Sáng, lễ cúng rừng không chỉ còn trong phạm vi sinh hoạt văn hóa, lễ đã phát triển và mang tính cộng đồng cao, trở thành nghi thức chung để nhắc nhở mọi người quý trọng và bảo vệ môi trường sinh sống của đồng bào. Bởi lẽ đó mà rừng già Y Tý, Dền Sáng còn bảo tồn khá tốt rất nhiều cây cổ thụ nguyên sinh. Rừng già cũng là nơi sinh trưởng của rất nhiều cây thuốc, vì thế mà những bài thuốc của người Dao đỏ ở Dền Sáng nổi tiếng chữa bệnh hiệu quả.
Nếu du lịch tới đây nhất định bạn sẽ “say” trước cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ của rừng già, và mê đắm trong những câu chuyện văn hóa của người Dao Đỏ nơi đây.
Phiên chợ Mường Hum họp sáng chủ nhật hàng tuần tại trung tâm xã Mường Hum, là địa danh nổi tiếng đã đi vào câu hát “Bản Mường Hum, xuân về núi cao/ Tiếng hát ai, bay về xốn xao…” .
Phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa và ẩm thực các đồng bào thiểu số các xã vùng cao quanh khu vực như người Hà Nhì, Mông, Giáy, Dao Đỏ,…. Họ mặc trang phục truyền thống của mình và đeo những loại trang sức bằng bạc tinh xảo khiến cho phiên chợ càng rực rỡ sắc màu hơn. Phiên chợ thu hút đông du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm và mua sắm.
Còn nhiều điểm đến khác mà bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Bát Xát như thung lũng Thể Pả, xã Bản Xèo, thung lũng Mường Vy hay Sàng Ma Sáo,… Đến với Bát Xát mùa nào trong năm cũng có chốn để đi và lưu luyến. Nếu còn thắc mắc hoặc phân vân không biết nên đi đâu giữa những điểm đến tuyệt vời này, hãy liên lạc với chúng tôi: Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch tỉnh Lào Cai - đơn vị thông tin du lịch chính thống duy nhất của tỉnh Lào Cai, phục vụ du khách và cộng đồng miễn phí, tại số 02 đường Fansipan, thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa hoặc số 109 đường Hồng Hà, TP Lào Cai. Hotline: 0214 387 1975.
Bùi Hà (ảnh: hồ Lảo Thẩn, Lý Xá Xuy)