error image error image error image

Bắc Hà thời kỳ trước năm 1950

03/12/2021 2609 0
Vùng đất Bắc Hà nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lào Cai vốn có nguồn gốc lịch sử lâu đời. Từ thời vua Hùng Vương, Bắc Hà thuộc đất Tây Âu của Thục Phán. Tới thời Bắc thuộc, thuộc châu Cam Đường, quận Giao Chỉ.

Thời nhà Lý, Bắc Hà thuộc Châu Đăng. Thời nhà Trần thuộc lộ Quy Hoá. Từ thời nhà Lê đến thời Pháp chiếm đóng, thuộc động Ngọc Uyển, châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa. Ngày 12 tháng 7 năm 1907, thành lập tỉnh Lào Cai, Bắc Hà trở thành một châu của tỉnh Lào Cai, với 4 tổng: Bắc Hà, Lùng Phìn, Si Ma Cai, Bảo Nhai. Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Bắc Hà là vùng cao nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm, mùa đông lạnh đặc trưng của nước nhiệt đới gió mùa. Dân cư ở Bắc Hà phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số như người Mông, Tày, Nùng, Phù Lá,…

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi, người dân Bắc Hà trước đây sống dựa vào thiên nhiên, chủ yếu canh tác nông nghiệp, hái lượm lâm sản, săn bắt thú rừng. Để thích ứng với khí hậu giá lạnh của vùng cao, nhiều dân tộc trong vùng làm nhà trình tường bằng đất để giữ ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè. Nhà trình tường là một loại kiến trúc đặc biệt về cả mặt kiến trúc lẫn công năng sử dụng. Tường của ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng đất. Trước đây người ta thường trình cả 4 mặt tường, nhưng hiện nay người ta chỉ trình 2 đến 3 mặt tường. Những bức tường chỉ bằng đất, không có trụ cột, nhưng vẫn rất chắc, trâu, bò húc cũng không đổ, đạn bắn cũng không xuyên thủng và có tuổi thọ hàng trăm năm cùng với thời gian. Chúng không chỉ có ưu điểm là điều tiết không khí trong nhà phù hợp với thời tiết vùng cao mà còn trở thành một pháo đài kiên cố giúp đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà chống lại giặc thổ phỉ cướp bóc.

Đặc biệt, khi làm nhà trình tường thì đồng bào không thể thiếu sự hỗ trợ đắc lực từ những chú ngựa. Ngựa trở thành người bạn thân thiết, không chỉ là vật nuôi thông thường mà việc nuôi ngựa đã trở thành phong tục, tập quán của người dân sinh sống ở Bắc Hà. Ngựa là người bạn trong đời thường và là con vật thiêng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng dân cư nơi đây. Ở nơi địa thế hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn nên từ lâu ngựa trở thành thân thiết với từng gia đình, là đầu cơ nghiệp của họ. Đường núi vùng cao đèo dốc quanh co, đá núi gập ghềnh, chỉ có con ngựa là người bạn thân quen, mới có khả năng giúp người nông dân gieo trồng bắp ngô, hạt lúa trên đỉnh núi, sườn non chênh vênh. Ngựa cùng đồng bào xuống chợ phiên, trên lưng mang theo ngô, lúa và sản vật của đồng bào. Cùng đồng bào vượt suối, trèo đèo, sức kéo của ngựa vừa bền vừa lớn nên nó giúp ích ngay cả những lúc kéo củi, kéo gỗ ở rừng về hay kéo đá, kéo phân ngược dốc lên xây nhà, làm nương,…

Do điều kiện tự nhiên là khu vực biên giới cùng với điều kiện dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống nghèo và lạc hậu nên Bắc Hà trở thành vùng đất nhạy cảm, là địa bàn mà quân Cờ Đen, thực dân Pháp, rồi Quốc dân Đảng từng chọn để đóng căn cứ áp đặt sự xâm lược cũng như áp bức, bóc lột nhân dân nơi đây. Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, cuộc sống của người dân ở Bắc Hà nghèo khó, bị áp bức bóc lột, nhiều vùng đất tốt để trồng lúa, bị bắt phải chuyển sang trồng thuốc phiện, đời sống văn hoá của người dân nghèo nàn và ở mức thấp.

Trong giai đoạn xã hội thuộc địa nửa phong kiến, các tầng lớp ở Bắc Hà phân chia thành giai cấp thống trị và bị trị, người bóc lột và kẻ bị bóc lột. Tầng lớp bóc lột là các thổ ty tay sai mà điển hình là Hoàng Yến TChao là người dân tộc Tày, sinh năm 1883, tại châu Thủy Vĩ, phủ Quy Hóa (Bắc Hà, Lào Cai). Trước khi thực dân Pháp xâm lược, thổ ty TChao đã là một trưởng bản giàu có và quyền thế ở xứ Bắc Hà. Sau khi chiếm được vùng Tây Bắc, thực dân Pháp phong cho Hoàng Yến TChao chức quan châu của Bắc Hà. Trong suốt thời gian trị vì từ năm 1905 đến năm 1950, thổ ty Hoàng Yến TChao và con trai Hoàng A Tưởng đã tích lũy được một số lượng tài sản lớn nên đã cho xây một dinh thự bề thế giữa lòng cao nguyên để thể hiện quyền uy, sự giàu có của mình. Dinh thự vừa là biểu hiện cho sự giàu có, quyền thế của chế độ phong kiến, vừa trở thành nhân chứng lịch sử cho một thời kỳ nhiều biến động của Cao nguyên trắng.

Ngày 12/3/1950, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Cán sự Đảng huyện Bắc Hà. Đồng chí Nguyễn Quang Tự làm Trưởng Ban cán sự; đồng chí Dương Việt Tiến làm Phó Ban. Sau khi đồng chí Nguyễn Quang Tự được điều động về Tỉnh ủy nhận nhiệm vụ mới, đồng chí Lục Bình Thủy được Tỉnh ủy điều từ Mường Khương sang làm trưởng Ban cán sự. Sự ra đời Ban cán sự Đảng huyện Bắc Hà đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời sống chính trị ở địa phương, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc trong huyện. Ngay sau khi được thành lập, Ban cán sự Đảng Bắc Hà đã nhanh chóng lãnh đạo nhân dân các dân tộc chuẩn bị kháng chiến với tinh thần toàn dân, toàn diện, phối hợp với bộ đội chủ lực trong chiến dịch Lê Hồng Phong màn II, giải phóng Bắc Hà vào ngày 20/9/1950.  Đây là dấu ấn lịch sử, mở ra cho nhân dân các dân tộc Bắc Hà một thời kì mới, khẳng định công lao to lớn của Ban cán sự đảng trong việc lãnh đạo nhân dân các dân tộc Bắc Hà đoàn kết, giải phóng và mở ra một thời kỳ mới để khôi phục – phát triển mảnh đất Cao nguyên Trắng.

Related Post

Sample Plan