error image error image error image

Ai đã từng khám phá cung đường du lịch Sa Pa – Bát Xát?

15/10/2020 3830 0
Đi trên những cung đường nhỏ vắt vẻo lưng chừng núi, qua bản làng của nhiều dân tộc thiểu số, qua những ngôi nhà nấm khổng lồ ẩn hiện dưới làn sương sớm và những cánh rừng già bạt ngàn, phía xa xa biển mây trắng tinh khôi bao bọc… Hành trình khám phá Bát Xát từ Sa Pa như thế đấy!

Nếu Sa Pa đã quá quen thuộc rồi, bạn có tự hỏi nếu đã đến Sa Pa tươi đẹp thì còn nơi đâu để đến cho khỏi hụt hẫng không? Mang dấu hỏi to đùng thế, tôi xách ba lô lên, quyết tâm khám phá mảnh đất mới lạ theo hành trình 2 ngày 1 đêm đi từ Sa Pa đến với huyện Bát Xát, một huyện nằm trong vành đai phát triển của khu du lịch quốc gia Sa Pa.

Bắt đầu hành trình từ trung tâm thị xã Sa Pa, tôi phi xe máy đi theo quốc lộ 4D hướng sang Lai Châu, trên quốc lộ 4D này, bạt ngàn những vườn hồng, những đồi su su, chè, đào, lê và …gió mát đến run người! Đi chừng 7km rẽ phải vào xã Bản Khoang, tôi dừng chân ghé thăm và tìm hiểu mô hình nuôi cá tầm, cá hồi của người dân địa phương, nhìn đàn cá hồi tung tăng lượn sóng chợt nghĩ rằng sao cứ phải đến Na Uy xa xôi nhỉ, cá hồi Sa Pa tươi ngon roi rói thế này cơ mà!

Trại nuôi cá hồi Bản Khoang

Pha chút tiếc nuối, tôi tiếp tục hành trình đến với xã Tả Giàng Phình, nơi sinh sống chủ yếu của người Dao đỏ và Mông xanh bên những dải ruộng bậc thang uốn lượn mềm mại dưới chân núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ. Hành trình xuyên qua bản với những tiếng cười, tiếng chào rất đáng yêu của những đứa trẻ như còn chưa quen với sự xuất hiện của khách du lịch trong bản làng của mình.

Núi Ngũ Chỉ Sơn hùng vĩ

Men theo co đường nhỏ ven suối, xuyên qua những thửa ruộng bậc thang hai bên đường, sau khoảng 30 phút là đến với địa phận xã Bản Xèo, để rồi tiếp tục ngược dốc đến với cổng trời Mường Hum và chẳng dại gì mà không nán lại đây ít phút để cảm nhận sự bao la của đất trời.

Cổng trời Mường Hum

Sau 10 phút đổ đèo là đến với trung tâm xã Mường Hum, nghỉ ăn trưa tại đây. Thật tiếc khi hôm ấy không phải là chủ nhật để được tham gia chợ phiên Mường Hum nổi tiếng, được ngắm nhìn khung cảnh phiên chợ vùng cao sôi động và lung linh sắc màu váy áo của đồng bào các dân tộc khác nhau quây quần về họp chợ. Trong thực đơn cho bữa trưa, chọn cho mình món cá suối Mường Hum ngon nổi tiếng, định nhấp thêm ngụm rượu San Lùng cho đã thèm nhưng đành dằn lòng dành cho bữa tối.

Chợ phiên Mường Hum tấp nập người mua bán

Sau ít phút nghỉ ngơi, phi con ngựa sắt tôi tiếp tục hành trình đi qua những bản làng của người Dao, ngắm cơ man nào là biển mây, sóng lúa trước khi đến với đoạn dốc cao để tới với rừng nguyên sinh Y Tý. Rừng già Y Tý trải rộng trên diện tích khoảng 8000 ha, khu rừng là nơi sinh trưởng và phát triển của nhiều loài động thực vật quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như: Bách xanh, thông tre, vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng…Đặc biệt nếu bạn có thể đến đây vào tháng tư thì tuyệt vời nhất. Đây là thời điểm nở rộ của các loài hoa đỗ quyên, khung cảnh cả một vạt rừng tràn ngập hoa đỗ quyên với nhiều màu sắc đang thi nhau đua nở. Cái cảm giác đứng giữa bao la núi rừng, hít thở bầu không khí trong lành, ngắm hoa, nghe tiếng chim hót còn gì tuyệt vời bằng.

Tạm biệt rừng già để tiếp nối chuyến đi, tôi tự thưởng cho mình những bức hình đẹp nhất của biển mây Y Tý, thật hiếm nơi nào mà nhìn thấy cả “rừng vàng biển bạc” như ở đây. Phía dưới biển mây kia là những bản làng lưa thưa bồng bềnh ẩn hiện. Đó là Y Tý, trung tâm du lịch của Bát Xát, những gì đẹp nhất của du lịch Bát Xát hầu như đều được hội tụ nơi đây. Nơi từ lâu đã được du khách thập phương, những nhà nhiếp ảnh biết đến như là một trong những địa điểm săn mây đẹp nhất Việt Nam, được nhớ đến với hình ảnh những ngôi nhà nấm truyền thống (nhà trình tường hình chữ nhật, tường đất, mái tranh nhọn hình kim tự tháp). Y Tý như một nàng tiên vẫn chìm trong giấc ngủ, bốn bề yên bình, thoáng đãng, tạo cho du khách cái cảm giác thư thái, ung dung, tự tại.

Thiên đường biển mây Y Tý

Ngôi nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì

Khoảng 3 giờ chiều, tôi đặt chân đến homestay ở trung tâm xã Y Tý, được dựng lên bởi những người yêu du lịch và đi tiên phong trong phong trào làm du lịch ở xã vùng cao này. Ngả lưng nghỉ ngơi, ngắm mây trời qua cửa sổ, tôi thiếp đi trọng giấc mộng êm ru như tiếng mây luồn trong gió. Tối đến, sự tuyệt vời cho lữ khách đã no con mắt nhưng đói cái bụng là bữa cơm đậm chất núi rừng, cùng chén “bia” truyền thống của người Hà Nhì bên chiếc mâm mây, ghế bệt và những người bạn mới.

Thảnh thơi ngắm mây trời qua ô cửa sổ

Thưởng thức bữa cơm đậm chất núi rừng

Ngày thứ 2, dậy từ sớm để đi ngắm biển mây, tôi như lạc vào một khung cảnh thần tiên giữa núi rừng và sương tinh khiết. Thế mới biết tại sao rất nhiều nhà nhiếp ảnh và du khách sẵn sàng chờ đợi nhiều ngày hoặc quay lại nhiều lần để được ngắm biển mây Y Tý. Sau bữa sáng ở homestay, cưỡi lên chiếc xe máy để tham quan và tìm hiểu chi tiết hơn về những điều thú vị liên quan đến ngôi nhà trình tường truyền thống của người Hà Nhì đen tại thôn Lao Chải 1, Lao Chải 2 và địa danh được mang tên: Cầu Thiên Sinh – Cây cầu nằm trên đường biện giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đúng với cái tên của nó, không biết từ bao giờ, nơi đây xuất hiện 1 khe nứt sâu giữa núi đá để rồi giờ đây trở thành điểm mốc để phân định rang giới giữa 2 quốc gia. Bạn có thể đi bộ qua nước bạn, tham quan và chụp ảnh thác nước trước khi trở về homestay.

Trang phục truyền thống của người Hà Nhì đen

 

Cầu Thiên Sinh

Thu dọn hành trang, tôi tạm biệt chủ nhà, tạm biệt mảnh đất Y Tý thơ mộng để hướng tới xã A Mú Sung, chạy xe xuyên qua những thửa ruộng bậc thang đẹp nổi tiếng với Di tích danh thắng cấp Quốc gia ruộng bậc thang thung lũng Thề Pả. Nghe dân bản nói, đến đây vào tháng 4-5 là mùa nước đổ, tháng 9-10 là mùa lúa chín, mùa nào cũng đẹp, cũng níu chân du khách đủ lâu để lưu lại được cho mình những khung hình ưng ý nhất.

Ruộng bậc thang Y Tý mùa lúa chín

Tiếp tục xuôi dốc đến với địa danh thật thiêng liêng và ý nghĩa: Cột mốc 92 – Lũng Pô nơi con sông hồng chảy vào đất Việt. Địa danh ghi dấu những chiến công và sự hy sinh anh dũng của quân và dân trong thời kỳ chiến tranh. Địa danh ghi dấu nơi con sông hồng nhập vào lãnh thổ Việt Nam, sau đó chạy dọc theo chiều dài miền Bắc, tạo lên cả một nền văn hóa trù phú trước khi chảy ra biển Đông. Tham quan và chụp ảnh cột cờ Lũng Pô trước khi tiếp tục hành trình về với thành phố Lào Cai khoảng 5 giờ chiều, tôi kết thúc hành trình 2 ngày khám phá vẻ đẹp hoang sơ của du lịch Bát Xát với nhiều niềm vui, hạnh phúc và niềm hứng khởi về một hành trình đáng nhớ từ Sa Pa. Bát Xát thực sự mang trong mình rất nhiều tiềm năng du lịch, từ thiên nhiên đến văn hóa và lịch sử. Chuyến đi đã đưa tôi tới những vùng đất còn hoang sơ, thuần khiết đang chờ đợi cơ hội để được đánh thức và vươn mình phát triển trong tương lại không xa.

Cột mốc 92 – Lũng Pô nơi con sông hồng chảy vào đất Việt

Không quá dài cho một hành trình, nhưng đủ để mỗi du khắc lắng đọng được những cảm xúc riêng sau hành trình du lịch Sa Pa – Y Tý – Bát Xát. Vẫn còn đó những công viên Choản Thèn, danh thắng ruộng bậc thang Thể Pà, hay lễ cúng rừng, tết cuả người Hà Nhì…chờ đợi bạn quay trở lại trong những dịp tiếp theo để hòa cùng, say cùng cái đẹp của đất trời và con người Y Tý –Bát Xát.

Thành Tuân

相关文章

样品计划