error image error image error image

Nghề làm trống của người Dao

25/11/2020 3218 1
Nghề làm trống của người Dao đỏ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 22/01/2020

Chiếc trống của người Dao đỏ có từ rất xa xưa gắn liền với nhiều hoạt động tín ngưỡng của cộng đồng. Hiện nay ở Sa Pa, nghề làm trống có ở một xã như Tả Phìn, Tả Van, Bản Hồ, Trung Chải,… Nơi có nhiều nghệ nhân tay nghề cao phải kể đến Tả Phìn và Bản Hồ. Trống của người Dao đỏ là loại nhạc cụ được sử dụng phổ biến trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của cộng đồng người, gắn liền với đời sống người Dao đỏ như máu thịt. Nghề làm trống vẫn luôn được người dân gìn giữ và duy trì, các nghệ nhân làm trống người Dao đỏ khẳng định nghề làm trống của người Dao có một sức sống mãnh liệt, không thể mất đi trong cộng đồng, còn người Dao đỏ là còn nghề làm trống.

Khác với nhiều dân tộc khác, chiếc trống được dùng làm nhạc cụ để giải trí, để chơi nhạc thuần túy thì chiếc trống của người Dao là một vật thiêng chỉ được sử dụng trong nghi lễ quan trọng như: lễ Pút tồng, Cấp sắc, Khoi Kìm, Chấu đàng, lễ cưới, lễ tang, lễ trừ ma tà. Để đảm bảo tính thiêng của chiếc trống, người Dao đặt ra những quy định nghiêm ngặt đối với việc làm trống từ chọn ngày đi lấy gỗ và ngày làm trống, cho tới người nghệ nhân làm trống phải kiêng không gần vợ để giữ sạch thân thể, nếu nhà có tang phải đốt tang và nghệ nhân làm trống phải là người đã được cấp sắc 3 đèn trở lên.

Sau quá trình sử dụng âm thanh của trống chưa đạt, hoặc chiếc trống bị hỏng hóc thì người ta cũng phải chọn ngày và địa điểm để sửa chiếc trống. Những kiêng kỵ trong việc sửa trống cũng giống như đối với việc làm một chiếc trống mới.

Theo kinh nghiệm của những người thợ làm trống giỏi, để thẩm âm của trống đòi hỏi người thợ phải có kỹ năng nghe và cảm nhận bằng đôi tai thính. Một chiếc trống tốt khi đánh lên người đứng xa vẫn nghe thấy tiếng vang nhưng người đứng gần không cảm thấy chói tai. Việc thẩm âm không thể truyền dạy bằng sách vở, lời nói mà phần nhiều phụ thuộc vào kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của người học cùng với khả năng âm nhạc thiên bẩm. Những tập tục của người Dao đỏ kiêng đánh trống khi không có việc gì bởi tiếng trống có ý nghĩa là tiếng báo hiệu một điểm gì đó, nếu trong ngày thường mà đánh trống sẽ bị thần linh trừng phạt. Bởi lẽ đó, người Dao đỏ thường cân nhắc thời điểm làm trống gần với một sự kiện gì đó sắp diễn ra như: đám cấp sắc, đám Pút tồng,… để có điều kiện thử âm thanh của trống.

Chiếc trống của người Dao đỏ không sử dụng độc lập mà luôn đi cùng với bộ nhạc cụ gồm chũm chọe, chiêng, kèn. Trong giàn nhạc này trống là nhạc cụ có vai trò giữ nhịp. Giải thích về nguyên nhân của việc này nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cho rằng: Do trống của người Dao cấu tạo các nêm trống xung quanh phần tang trống nên người chơi nhạc chỉ chơi được ở phần mặt trống. Cũng vì vậy, trong âm nhạc của người Dao không có bài trống độc lập, mà các bài trống luôn gắn với giàn nhạc cụ đi cùng với nó.

Nghề làm trống ra đời từ nhu cầu nội tại của người Dao đỏ, phục vụ cho đời sống văn hóa tâm linh của họ. Sản phẩm của nghề nghề làm trống chưa trở thành sản phẩm hàng hóa dùng để trao đổi mua bán. Chính vì vậy mà nghề làm trống hay các nghề thủ công khác của người Dao đỏ chưa hình thành các làng nghề sản xuất quy mô như người Kinh ở miền xuôi. Chiếc trống truyền thống là vật thiêng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh người Dao đỏ mà không một loại trống nào khác có thể thay thế. Trong quá khứ, hiện tại, và cả tương lai chiếc trống sẽ luôn hiện hữu trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Dao đỏ bởi vậy có thể khẳng định nghề làm trống của người Dao có một sức sống mãnh liệt trường tồn cùng với tộc người.

Bùi Hà

相关文章

样品计划