error image error image error image

Khám phá nghề thủ công truyền thống Bắc Hà

19/04/2022 1958 0
Bắc Hà, ngoài cảnh sắc tươi đẹp được thiên nhiên ban tặng như các dãy núi hùng vĩ, con người hiền hậu mến khách, thì vùng đất này còn là nơi hội tụ các sắc màu văn hoá dân tộc và vẫn lưu giữ được nhiều nghề thủ công truyền thống. Cùng khám phá một số nghề thủ công truyền thống ở Bắc Hà nhé.

1. Nghề nấu rượu ngô truyền thống

Bắc Hà có nhiều loại đặc sản nổi tiếng nhưng rượu ngô là đặc biệt hơn cả, bởi hương vị thơm nồng, quyến rũ. Để có được những giọt rượu thơm nồng này là nhờ vị mát lành của dòng nước và men Hồng My đặc trưng của vùng Cao nguyên trắng. Dụng cụ để chưng cất rượu cũng rất đặc biệt. Ngô không đun trực tiếp với nước như nấu rượu gạo mà được chưng cất cách thủy bằng chõ gỗ. Chõ dùng để chưng cất rượu phải được làm bằng gỗ thông hay pơ mu thì rươụ mới vị thơm ngon đặc biệt. Chảo nước bên trên được thay liên tục để rượu không bị đắng. Để làm ra những mẻ rượu thơm ngon, không chỉ cần những nguyên liệu đặc biệt mà còn phải cần những kinh nghiệm tích lũy lâu đời.

2. Nghề chế tác Khèn Mông

Nghề chế tác khèn Mông đã trở thành nghề truyền thống bởi cây khèn là nhạc cụ quan trọng không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Mông. Khèn Mông được chế tác từ gỗ pơ mu hoặc gỗ thông và một loại trúc nhỏ mọc trên rừng. Để trang trí và cố kết thân khèn cho thật khít, các nghệ nhân dùng vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây vừa rất dẻo vừa có màu sắc bền đẹp. Những lưỡi lam đồng nhỏ bé ở các ống được chế tác thủ công, sao cho có độ mỏng phù hợp với mục đích sử dụng. Trên mỗi ống khèn đều có một lỗ âm và đều được gắn lam đồng. Cây khèn Mông có 6 ống như ống sáo, có độ dài ngắn khác nhau được cắm xuyên qua bầu. Mỗi ống sáo có một âm và có tên riêng. Khi thổi khèn, những ống sáo này cùng hòa tấu, tạo nên âm vang đa thanh, khi trầm, khi bổng. Các ống khèn được cố kết với nhau bởi hai vòng dây đào rừng, vừa tượng trưng cho tình anh em đoàn kết, vừa khiến cây khèn trở nên duyên dáng.

3. Nghề thêu hoa văn trên trang phục dân tộc Mông Hoa

Kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải lanh, rồi ghép trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông không chỉ có tác dụng trang trí, mà còn thể hiện sự phong phú, sống động của tâm hồn người Mông và làm tôn lên giá trị của bộ trang phục. Công đoạn đầu tiên là chọn sáp ong. Sáp ong có 2 loại (màu vàng là sáp non, màu đen là sáp già), sau khi lấy hết mật, sáp được nấu cho đến khi nóng chảy rồi đem 2 loại trộn lẫn với nhau. Khi bắt đầu vẽ sáp lên vải, sáp ong luôn phải đun ở nhiệt độ cao từ 70-80 độ, thì sáp mới không bị khô. Bút để vẽ sáp ong là một thanh tre hoặc gỗ dài từ 7-10 cm, đầu ngòi bút được nẹp vào thanh tre được làm từ 3 lá đồng hình tam giác, ngòi bút càng mỏng thì hoa văn càng đẹp và dễ vẽ. Tấm vải vẽ xong cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó vải được nhuộm chàm và đem phơi khô. Tiếp tục các công đoạn khác như thêu chỉ màu, và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.

4.Nghề chạm khắc bạc

Người Tày, Nùng xã Na Hối có nghề rèn đúc và chạm khắc bạc từ rất lâu đời và đã đạt đến trình độ tinh xảo. Các sản phẩm của nghề chạm khắc bạc rất phong phú bao gồm các loại vòng tay, vòng cổ, hoa tai, nhẫn, xà tích… Để có được những sản phẩm bằng bạc đạt đến trình độ tinh xảo và có giá trị thẩm mĩ cũng như chất lượng cao, những người thợ thủ công phải có tay nghề cao và trải qua một quá trình lao động vô cùng vất vả. Bộ dụng cụ phục vụ chế tác có 8 loại chính, gồm: bễ thổi, lò nung, nồi nấu bạc, khuân đúc, búa, kìm sắt, đe, bộ đục chạm hoa văn, mỗi loại có công năng sử dụng khác nhau. Nguyên liệu dùng để nung nóng chảy bạc là than củi. Để tạo thành các hình dáng hoa văn khác nhau người thợ dùng nhiều loại đục lớn nhỏ khác nhau. Khi chạm khắc các hoa văn người ta thường làm từng chi tiết nhỏ một cứ như vậy cho tới khi hoàn thiện một ý tưởng trang trí.

5. Nghề may trang phục truyền thống người Phù Lá

Từ bao đời nay, với đôi bàn tay khéo léo và sự tinh tế trong việc kết hợp màu sắc, người dân tộc Phù Lá ở xã Lùng Phình đã lưu truyền nghề may quần áo truyền thống cho dân tộc mình. Trang phục của người Phù Lá được trang trí cầu kì hơn bởi họa tiết trang trí và trang sức đi kèm. Nam giới mặc áo cánh xẻ ngực, cổ tròn, đứng, cài cúc vải. Áo thường có hai túi lớn hai bên. Thân áo hơi ngắn, màu chàm hoặc xanh dương. Nam mặc quần tối màu ống đứng (rộng 35 – 40 cm), cạp to bản. Còn với phụ nữ, trang phục có phần chăm chút hơn. Phụ nữ Phù Lá mặc loại áo ngắn xẻ nách, trùm kín đến hông, ống tay rộng có đáp họa tiết sọc ngang và thêu điểm xuyết phần viền cổ tay áo. Phần thân trước áo được may cách điệu giống áo yếm có nối dây chuyền bạc vòng ra phía sau cổ. Trên phần vải yếm trước ngực thường thêu cầu kì họa tiết hình học, cành cây, bông hoa hay một số họa tiết đặc trưng của người dân tộc với màu nền chủ đạo là màu chàm, màu đen hay màu xanh dương. Trên đầu các chị em thường quấn tóc giả và trang trí thêm nhiều bông tua rua màu sắc rực rỡ. Thời gian gần đây, thay vì tự dệt bông làm vải thì phụ nữ người Phù Lá đi mua vải về tự cắt may và thêu trang trí trang phục.

6. Nghề đan gùi của người Mông

Gùi thường được đồng bào dân tộc Mông đan quanh năm, đặc biệt vào những thời điểm nông nhàn. Để có một chiếc gùi bền đẹp là nhờ đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, đúng kỹ thuật trong từng khâu đan của người nghệ nhân và đòi hỏi từng công đoạn đều phải được chăm chút thật kỹ lưỡng, nhất là khâu chọn nguyên liệu; Phải là cây tre lâu năm, chiếc gùi mới bền, không bị mục. Ngoài ra để tăng tính thẩm mỹ cho thành phẩm, người nghệ nhân còn sử dụng nan mây hoặc nan tre non để trên gác bếp nhiều năm đan dưới đáy và trên miệng gùi. Hai dây đeo thường được làm từ dây rừng rất bền và êm.

7. Nghề làm nón lá của người Tày

Chiếc nón lá là vật không thể thiếu trong cuộc sống người Tày ở xã bản Liền. Nó không chỉ là một vật che mưa, che nắng mà đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong phong tục của người Tày. Để tạo ra một chiếc nón lá đẹp mất khoảng thời gian từ 4 - 6 ngày. Nguyên liệu làm nón thường là lá cọ, tre, nứa sẵn có tại địa phương. Công đoạn đầu tiên là chẻ nan đan nón từ tre hoặc trúc. Kế đến là công đoạn làm khung. Làm nón cũng phải tỉ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá. Lá làm nón phải là lá bánh tẻ, không được quá non cũng như không quá già khi làm nón mới có độ dai và độ trắng cần thiết. Sau đó lá sẽ được phơi nắng, đạt đủ chuẩn sẽ xếp lên phần khung nón. Một chiếc nón đẹp là có khung ngoài được tạo dáng tròn, bè, các mắt đan đều nhau, lớp lá bên trong dàn đầy đặn, chắc chắn. Sau khi làm xong, những chiếc nón lá sẽ được tiếp tục hong khô trên gác bếp, để chống mối mọt, trời nắng không bị cong vênh, trời mưa không bị thấm nước.

8. Nghề dệt vải của người La Chí

Trong quan niệm của người La Chí, trang phục truyền thống của dân tộc đã trở thành một nét đặc sắc văn hóa. Họ không mặc những trang phục của dân tộc khác, mà chỉ mặc đồ do tay mình làm ra. Người phụ nữ nơi đây từ nhỏ đã được dạy cách làm trang phục truyền thống. Khi từng đường khâu mũi chỉ càng tỉ mỉ và đẹp mắt thì cũng có nghĩa người phụ nữ đó càng khéo léo. Từ tháng 1, tháng 2, người La Chí đã trồng bông; đến tháng 8, tháng 9 thì bắt đầu vào mùa bật bông dệt vải. Bông khi thu hái vẫn còn chứa hạt, sau khi tách hạt sẽ được bật cho tơi ra, rồi cuộn lại thành từng thỏi nhỏ. Từ những sợi chỉ mỏng manh, người phụ nữ tiếp tục dệt bên khung cửi để có được một tấm vải thô ưng ý. Người La Chí thường mặc áo nhuộm chàm. Để vải lên đúng màu, người phụ nữ phải nhuộm rồi phơi khô ít nhất 5 lần. Từ những công cụ thô sơ cùng bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc La Chí, bộ trang phục truyền thống của họ dù mang màu chàm mộc mạc, nhưng vẫn rất tinh tế trong từng họa tiết ở viền áo.

9. Nghề thêu thổ cẩm của người Dao Đỏ

Đồng bào Dao Đỏ ưa chuộng dùng màu rực rỡ để trang trí trên khăn, cổ áo, nẹp ngực, tà áo và gấu quần… Các loại hoa văn trên trang phục của người Dao Đỏ đã trở thành những biểu tượng phản ánh nội tâm, phong tục tập quán, phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan của đời sống cộng đồng. Điểm nổi bật trên bộ trang phục người Dao Đỏ chính là màu đỏ nổi bật của chiếc khăn, của các hàng tơ tằm màu đỏ được đính ở nẹp áo. Trang phục người Dao Đỏ được dệt từ sợi cây bông. Tuy nhiên từ xa xưa người Dao Đỏ chỉ trồng bông rồi mang bông đi đổi lấy vải về nhuộm chàm, khâu thêu thành trang phục. Họ không tự sơ chế và dệt sợi bông thành vải.

Cho đến ngày nay, các nghề thủ công của đồng bào các dân tộc Bắc Hà đã trở thành nghề truyền thống được lưu truyền và bảo tồn từ đời này sang đời khác. và trở thành sản phẩm trải nghiệm được nhiều khách du lịch thích thú.

Nguyễn Thủy

相关文章

样品计划