error image error image error image

Lễ Pút tồng của người Dao đỏ ở Lào Cai

23/03/2018 15673 0
Lễ Pút tồng của người Dao đỏ ở Lào Cai

 

Pút tồng (Tết nhảy) của người Dao Đỏ ở Lào Cai là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của đồng bào. Trong tiếng Dao, “Pút” có nghĩa là nhảy, “tồng” có nghĩa là đồng. Pút tồng vừa là cách thức diễn xướng được thực hiện khi hành lễ và cũng có nghĩa là một nghi lễ thờ cúng tưởng nhớ đến linh hồn tổ tiên của người Dao Đỏ.

Sự ra đời của nghi lễ Pút tồng gắn với một số truyền thuyết về cuộc di cư của người Dao, như:

- Khi di cư tới Việt Nam do hạn hán, mất mùa và loạn lạc, người Dao và người Hmông cất giữ linh hồn tổ tiên ở trong cánh tay, còn người Giáy lại để linh hồn tổ tiên ở vạt áo. Lúc qua sông, người Giáy đã cắt bỏ vạt áo để tổ tiên ở lại, còn người Dao và Hmông thì không thể chặt tay để lại, nên sau khi vào vùng đất mới, thì họ lập bàn thờ để thờ cúng tổ tiên với hình tượng là một pho tượng nhỏ và một thanh kiếm. Từ đó, đến ngày đầu năm mới, thì người Dao lại tổ chức lễ Pút tồng để tắm gội sạch cho tổ tiên (tượng và kiếm), chuẩn bị đón năm mới. Đây cũng là dịp để thể hiện sự biết ơn thế hệ trước và cầu cho cả họ có một năm mới tốt lành và no đủ hơn,…

- Trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của 12 họ thuộc tộc người Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, sóng to, gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng của họ bị đe dọa. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu, xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ họ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau, theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức nghi lễ Pút tồng. Mục đích của nghi lễ để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên (Bàn Vương) đã cứu mạng người Dao ngoài biển xa năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt,…

Người Dao Đỏ tổ chức Pút tồng vào ngày đầu năm mới theo Âm lịch. Công việc chọn ngày do trưởng họ quyết định và thường tránh các ngày kiêng kỵ của dòng họ. Địa điểm tổ chức nghi lễ thường là gia đình trưởng họ của các dòng họ người Dao Đỏ. Đây là nghi lễ quan trọng nhất trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Dao Đỏ, nên việc chuẩn bị luôn được thực hiện trước khi tổ chức khá lâu, chu đáo và nghiêm túc. Trưởng tộc đứng ra lo liệu chính, cả về lễ vật và đạo cụ. Lễ vật dâng cúng chính gồm có gà, rượu, gạo, bánh trái,… Đồ nghi lễ gồm có tranh thờ, kiếm bùa, trang phục thầy cúng, cờ, binh khí,…

 Diễn trình lễ Pút tồng gồm 11 bước và hầu hết các nghi lễ cúng bái đều được thực hiện thông qua các động tác nhảy, múa. Các điệu nhảy được thực hiện nối tiếp nhau trong suốt tiến trình nghi lễ, phần cầu khấn hầu như được “gói gém” vào trong các điệu nhảy. Trong khi múa, họ luôn miệng xưng tụng thần linh và các điệu múa được sử dụng như hình thức làm hài lòng thần linh, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đối với tổ tiên, thần, thánh. Mặc dù múa Pút tồng là hình thức múa trước thần linh, nhưng khi người Dao Đỏ hành lễ, vẫn có sự hướng dẫn của các “Ma Tổ tiên”, “Ma Sư phụ” trong các bước nhảy. Múa trong nghi lễ Pút tồng thường chỉ do nam giới thực hành, như phần nào phản ánh cấu trúc xã hội, gia đình phụ hệ của người Dao Đỏ. Thầy cúng, thầy nhảy đặt ra những quy tắc bí mật để bảo vệ vai trò độc tôn của nam giới trong các nghi lễ.

Âm nhạc và ngôn từ cũng là thành tố nghệ thuật quan trọng của nghi lễ Pút tồng. Nhạc cụ sử dụng trong nghi lễ gồm có trống, thanh la, não bạt. Âm nhạc trong nghi lễ không có sự khắt khe về bài bản, có khi chỉ là những hồi trống dồn không theo nhịp, phách cụ thể, mà thể hiện theo trạng thái cảm xúc nhanh, chậm bất thường khác nhau. Âm nhạc và múa hòa quyện rất tự nhiên, tạo nên sự sống động trong quá trình biểu diễn. Ngôn từ sử dụng trong Pút tồng chủ yếu là những lời khấn rì rầm của thầy cúng, những tiếng hô to của người nhảy, làm cho không khí của Pút tồng thêm sôi động và linh thiêng, huyền bí,…

Nghi lễ Pút tồng là nghi lễ có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Dao Đỏ và là mối dây liên hệ giữa giữa cõi âm và cõi dương, giữa người sống và người chết,… Đây là nghi lễ tán tụng tổ tiên, thần thánh để cầu viện sự quan tâm, che chở từ đấng siêu nhiên của người Dao Đỏ. Việc thực hành nghi lễ Pút tồng có tác dụng động viên tinh thần người sống trước nỗi đau mất mát người thân, đồng thời, cũng giúp họ củng cố niềm tin vào cuộc sống với sự phù trợ của người đã mất,…

Trong Pút tồng tích hợp cả nghệ thuật trình diễn dân gian, như nhảy múa, âm nhạc, ngôn từ và đặc biệt là nghi lễ, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần của người Dao Đỏ. Các điệu múa là thành tố chủ đạo, tạo nên bản sắc riêng của nghi lễ Pút tồng, tạo sự thông linh giữa người trần và thần thánh, dẫn dắt người Dao Đỏ đi tìm sức mạnh và niềm tin cuộc sống, truyền thống dân tộc,...

Lễ Pút tồng hiện đang được thực hành tốt, với các biện pháp bảo vệ hiệu quả, được cộng đồng đồng thuận đề cử và cam kết bảo vệ. Với các giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học tiêu biểu trên, Lễ Pút tồng (Tết nhảy) của người Dao Đỏ ở Lào Cai đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013./.

Thu Trang (Theo Hồ sơ di sản, tư liệu Cục Di sản văn hóa)

 

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu