error image error image error image

Nghề vẽ tranh thờ của người Dao Đỏ ở Lào Cai.

21/05/2021 5927 0
Trong cuộc sống người Dao Đỏ Lào Cai có nhiều rất nhiều nghi lễ truyền thống như nghi lễ cấp sắc, lễ cầu mùa, tết nhảy... Trong các nghi lễ quan trọng đó không thể thiếu bộ tranh thờ.

 

 

 Tranh thờ người Dao Đỏ trưng bày tại Bảo tàng Sa Pa

Với bộ tranh thờ người dân tộc Dao Đỏ ở Lào Cai  được coi như báu vật mà dòng họ nào cũng phải có. Công đoạn chuẩn bị giấy vẽ  rất quan trọng bởi giấy vẽ tranh thờ phải sử dụng loại giấy dó có độ mỏng, dai và hút ẩm tốt. Trước kia người Dao Đỏ thường dùng loại giấy tự làm thủ công bằng vầu, rơm nhưng  hiện nay, trên thị trường sẵn nên họ không tự làm mà ra chợ mua về dùng.  Trước khi vẽ tranh những tờ giấy dó được hồ lại từng nếp theo khổ giấy vẽ ( dán từ 5 đến 7 lớp giấy). Loại hồ dán giấy được chế biến từ một loại keo đặc biệt, có độ bền dính cao được làm từ bột gạo nếp và bì trâu và một loại cây rừng có nhựa. Công đoạn pha mầu vẽ cũng rất phức tạp bởi các loại mầu này đều được chế từ cây dược liệu tự nhiên  như mầu xanh từ chàm, mầu đỏ dùng dễ cây thu mộc, mầu vàng dùng củ nghệ và rễ cây đàng thời, mầu tím dùng lá cây cơm nếp…. Mỗi mầu trong bức tranh thờ đều có một ý nghĩa và thể hiện sự tôn uy riêng của nó. Màu vàng tượng trưng cho mùa màng tươi tốt, mầu đỏ là mầu của sự thinh vượng và may mắn, mầu xanh tượng trưng cho sự hiểu biết,…. Một bộ tranh thờ mang nhiều sắc thái và giá trị thẩm mĩ rất riêng biệt với các bố cục lạ, dài, hẹp và dày đặc các nhân vật thần linh. Các thần linh trong tranh cũng được tuân theo một quy tắc xã hội người có quyền năng lớn sẽ được vẽ to và chiếm vị trí trung tâm, còn những vị thần ít quyền năng sẽ được vẽ với kích thước nhỏ và đơn giản hơn. Trong một khuân tranh người ta bắt gặp đủ các lớp không gian, thời gian, thực ảo khác nhau với đủ các cảnh ma quỷ, từ mặt đất lên đến bầu trời, từ núi sông tới biển cả, từ địa ngục lên tới tiên cảnh tùy theo trí tưởng tượng của người vẽ. Điều ấy khiến không gian tranh mênh mang và thời gian trong tranh trở vô tận không ghim chặt vào một thời điểm nào.

          Để có một bộ tranh thờ đẹp cũng cần có bộ bút vẽ chuẩn gồm 12 chiếc với cỡ khác nhau, loại nhỏ nhất dùng để vẽ mi, râu, tóc; loại bút cỡ trung bình dùng tô mắt, mũi, môi và dùng viết chữ;  loại to nhất dùng tô mầu các loại áo, đường viền, thân hình và khuân tranh… Một điều quan trong trong nghề vẽ tranh thờ của người Dao đó là phải chọn ngày khai bút, chọn ngày hoàng đạo, thanh long, phúc sinh, ngày tam hợp với tuổi của họa công. Thời gian vẽ một bộ tranh mất khoảng 3 đến 4 tháng. Sau khi vẽ tranh xong phải làm lễ khai quang cho cho bộ tranh và treo theo thứ tự và địa vị thánh to, thánh nhỏ, lấy bàn thờ tổ tông làm tâm, các tranh thờ mới treo sang hai bên. Sau khi làm lễ khai quang bộ tranh thờ mới linh nghiệm và được sử dụng trong các nghi lễ. 

          Nghề làm tranh thờ của người Dao Đỏ phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thảm mỹ, nghệ thuật, giáo dục đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng và luôn hiện hữu trong các sự kiện trọng đại, là hồn cốt của các đại lễ cúng của người Dao Đỏ. Các sản phẩm bộ tranh thờ có giá trị thẩm mỹ độc đáo, do vậy ngoài chức năng vốn có của tranh, tự thân mỗi tờ tranh còn là một tác phẩm nghệ thuật với các nhân vật có tên trong tranh.

Kim Anh

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu