error image error image error image

Lịch sử hình thành và phát triển của khu du lịch quốc gia Sa Pa

15/10/2020 20541 0
Khởi nguồn từ ý tưởng thành thành lập một trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp vào những năm đầu của thế kỷ XX, khi Sa Pa còn là vùng vúi non hoang sơ, chỉ có lác đác đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử, Sa Pa ngày nay đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành khu du lịch quốc gia thu hút hàng triệu khách du lịch tơi tham quan mỗi năm.

Ngược dòng quá khứ, tìm hiểu nguồn gốc hình thành của khu du lịch Sa Pa. Vào cuối năm 1903, đoàn thám hiểm của sở Địa lý Đông Dương sau nhiều ngày khảo sát đã phát hiện cảnh quan cao nguyên Lồ Suối Tủng và làng Sa Pả. Đoàn đặt tên Cao trạm khu vực là Sa Pa. Đây được coi là mốc hình thành khu du lịch Sa Pa (Trước đây người dân địa phương vẫn gọi khu vực này là Sa Pả, theo tiếng của người địa phương, Sa Pả có nghĩa là “bãi cát”, nhưng do người phương tây phát âm không có dấu nên mới gọi là Sa Pa). Nhận thấy vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên, khí hậu trong lành mát mẻ, người Pháp sớm có ý định xây dựng Sa Pa thành một trạm nghỉ dưỡng. Năm 1905 một đoàn khảo sát người Pháp đã tổ chức thám hiểm và đặt được mốc tiêu trên đỉnh Fansipan. Ngày 2-6-1909, Chánh sứ Lao Kay (tên cũ của tỉnh Lào Cai) trình Thống sứ Bắc Kỳ đề nghị thành lập khu điều dưỡng trên cao trạm Sa Pa. Tiếp theo đó là hàng loạt các mốc thời gian đánh dấu quá trình phát triển của Sa Pa:

Bản đồ Sa Pa những năm đầu thế kỷ XX

- Năm 1909 -1912: Mở tuyến đường đi bộ nối nối Lào Cai với Sa Pa, đến năm 1924 mở rộng thành đường ô tô, năm 1930 tuyến đường này và các đường nội thị ở Sa Pa được giải nhựa.

- Năm 1912: Khách sạn Tào sứ quy mô lớn được xây dựng. Hàng loạt đồn điền, công sở, cơ sở hạ tầng ở trung tâm Sa Pa được hình thành.

- Năm 1915: Thành lập trạm khí tượng Sa Pa, nhằm cung cấp số liệu nghiên cứu đầu tiên về khí hậu khu vực trong mạng khí tượng thủy văn quốc tế, năm 1958, Ba Lan giúp ta xây dựng và trang thiết bị lại thành Trạm vật lý địa cầu Sa Pa.

Một góc Sa Pa ngày xưa

- Năm 1916: Hiệp hội khuyến khích du lịch ra đời.

- Năm1925: Nhà thờ Sa Pa được xây dựng năm 1925, cũng trong năm này thủy điện Cát Cát 100 kw do nhà thầu Vomousse xây dựng. Cùng năm nhà Đông Phương học Victo Gulubep công bố việc phát hiện bãi đá cổ Sa Pa ở Tả Van, Hầu Thào.

Các nhà khảo cổ phát hiện ra bãi đá cổ năm 1925

- Năm 1927: Có 51 du khách đến Sa Pa, 1928 có 158 du khách đến Sa Pa

- Năm 1930: Cao trạm Sa Pa được dùng điện, từ đó tốc độ xây dựng ở Sa Pa được đẩy mạnh. Cuối năm 1938-1939 có đến 3000 du khách lên Sa Pa.

Sa Pa đã khá sầm uất những năm 1930 - 1940

- Ngày 9-3-1944: Thống sứ Bắc Kỳ ký nghị định giải thể châu Thủy Vỹ thành lập châu Sa Pa gồm 3 xã Hướng Vinh, Mường Hoa, Sa Pa và phố Xuân Viên. Cao trạm Sa Pa trở thành trung tâm châu lỵ mới.

- Từ tháng 3/1945-3/1951: Là thời kỳ chiến tranh liên miên ở Sa Pa, các hoạt động du lịch ở Sa Pa tạm dừng.

- Tháng 4/1951: Pháp rút khỏi Sa Pa, sau đó họ đã cho máy bay rải bom và phá hủy hầu hết các công trình đã được xây dựng trước đó.

Bẵng đi một thời gian khá dài không có các hoạt động du lịch trên địa bàn Sa Pa, chỉ có người dân địa phương tham gia vào công cuộc tái thiết và phát triển kinh tế. Khu du lịch Sa Pa xinh đẹp lại ngủ quên như chưa hề được đánh thức trước đó. Đến năm 1991, khi Việt Nam mở cửa hội nhập nền kinh tế, khách du lịch mới lác đác quay trở lại Sa Pa. Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ X (1991) và lần thứ XI (1996) Lào Cai đã chú trọng phát triển mạnh mẽ du lịch và xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng. Tỉnh Lào Cai đã dành một phần ngân sách đáng kể để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bao gồm: Kéo điện lưới quốc gia, xây dựng hệ thống nước sạch, xây dựng tuyến đường nội thị, cải tạo tuyến đường nối Lào Cai với Sa Pa…Từ đó khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Sa Pa ngày một đông hơn. Những tiềm năng, thế mạnh của du lịch Sa Pa dần dần được đánh thức. Ngoài loại hình du lịch nghỉ dưỡng nhằm tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ, du lịch Sa Pa thời gian này còn mở rộng du lịch sinh thái, văn hóa với các điểm du lịch như Hàm Rồng, Bãi đá cổ, thác Bạc, cầu Mây, Cát Cát, Tả Phìn…Tháng 11/2002, tỉnh Lào Cai đã ký hợp đồng với trường Đại học Bordeaux 3 và hội đồng vùng Aquitaine (Pháp) đã cử đoàn chuyên gia tới khảo sát quy hoạch khu du lịch Sa Pa, nhằm bảo tồn khu du lịch Sa Pa gắn quy hoạch du lịch với quy hoạch đô thị, nông nghiệp…

Toàn cảnh thị xã Sa Pa nhìn từ đỉnh Fansipan

Du lịch Sa Pa đã phục hồi và tăng trưởng nhanh chóng, năm 2002 đã có trên 80 khách sạn được xây dựng, thu hút trên 75,000 lượt khách du lịch. Năm 2013 Sa Pa đón 720,000 lượt khách, doanh thụ đạt 576 tỷ đồng. Đặc biệt vào năm 2014 khi cao tốc Nội Bài – Lào Cai hoàn thành đã rút ngắn thời gian di chuyển của du khách; Năm 2016 khu du lịch cáp treo Sun World Fansipan Legend đi vào hoạt động trở thành điểm du lịch hấp dẫn nhất Sa Pa, lượng khách du lịch đến với Sa Pa ngày một đông. Theo thống kê năm 2018 Sa Pa đã đón 2,5 triệu lượt khách, năm 2019 Sa Pa thu hút 3,2 triệu lượt khách tới tham quan.

Khách sạn hiện đại giữa lòng thị xã

Tối ngày 28/12/2019, UBND tỉnh Lào Cai tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Sa Pa, đánh dấu một bước ngoặt mới cho khu du lịch đầy tiềm năng này. Sau khi trở thành thị xã du lịch, Sa Pa có 16 đơn vị hành chính với 6 phường: Sa Pa, Sa Pả, Cầu Mây, Fansipan, Ô Quý Hồ, Hàm Rồng và 10 xã: Bản Hồ, Hoàng Liên, Liên Minh, Mường Bo, Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn, Tả Van, Thanh Bình, Trung Chải.

Nhiều sự kiện du lịch lớn được tổ chức tại Sa Pa

Sa Pa thu hút đông đảo khách du lịch

Thị xã Sa Pa đã và đang tiếp tục được đầu tư phát triển với các dự án lớn trong tương lai như: Sân bay Sa Pa, khu tổ hợp công viên văn hóa Mường Hoa, khu vui chơi giải trí do Sun Group đầu tư…đưa vào vận hành sẽ tạo cơ hội lớn để du lịch Sa Pa bứt phá, đáp ứng nhu cầu và tiêu chí ngày càng cao của khách du lịch, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 sẽ đón được 8 triệu lượt khách du lịch. Để Sa Pa không chỉ là khu du lịch quốc gia mà phấn đấu trở thành khu du lịch quốc tế.

Thành Tuân

Những bài viết liên quan

Lịch trình mẫu