error image error image error image

Các dụng cụ gắn với sản xuất nông nghiệp ở Bắc Hà

03/12/2021 1979 0
Từ lâu, Bắc Hà có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông – lâm nghiệp đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi.

Với lịch sử hình thành lâu đời, vùng đất này đã trở thành chiếc nôi của vùng Đông Bắc Lào Cai với văn hóa nông nghiệp nổi bật, gắn liền với một số loại nông cụ đặc trưng như: gùi tre, cối xay lúa – ngô, cuốc, cày, bừa, lưỡi hái, nỏ, bộ yên và cương ngựa,…

1. Gùi tre

Gùi- tre

Đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà sinh sống chủ yếu trên những vùng núi cao, dưới các thung lũng, sườn đồi và từ lâu đã biết tận dụng các loại tre, nứa, trúc làm những vật dụng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Trong đó, gùi là một trong những vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào. Việc đan gùi luôn dành cho người đàn ông. Một chiếc gùi đẹp và bền chắc luôn được nhiều người yêu thích, ngưỡng mộ nên đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, tỷ mỷ, đúng kỹ thuật trong từng khâu đan. Bắt đầu từ ông truyền sang bố, bố lại dạy lại con. Để sau này tự lập gia đình riêng phải biết đan gùi cho vợ, con đeo. Việc đan gùi đòi hỏi kĩ thuật khá phức tạp với 3 lượt đan từ đan sơ định hình, tới đan thêm và hoàn thiện chiếc gùi. Để chiếc gùi bền lâu, đẹp mắt, người đan cuốn thêm nan mây hoặc song nhiều năm trên gác bếp đan ở dưới đáy và trên miệng. Gùi có hai dây đeo, ngày xưa người ta thường lên rừng lấy các sợi của cây móc để đan làm dây đeo cho bền, đỡ đau vai, ngày nay dây đeo chủ yếu được cắt may từ bao tải hoặc da trâu, bò. Thời gian hoàn thiện một chiếc gùi là từ một đến hai ngày, tùy vào mức độ khéo tay, sự nhanh nhẹn của người đàn ông. Trong gia đình ở Bắc Hà, ai cũng có gùi riêng tùy theo độ tuổi của mình. Có loại gùi chỉ dùng chuyên đi nương, có loại đẹp hơn thì dùng đi chợ. Khi lên nương làm rẫy hay đi rừng, họ luôn đeo chiếc gùi trên lưng để đựng nắm cơm, chai nước, công cụ lao động. Lúc trở về nhà, bên trong chiếc gùi sẽ chất đầy rau xanh, măng rừng, những bó củi hay những bắp ngô. Ở nhà, chiếc gùi còn được dùng để đựng lương thực, thực phẩm. Ngày nay, chiếc gùi vẫn là vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc ở Bắc Hà. Nó không chỉ là vật dụng thiết yếu mà còn là nét văn hóa riêng vốn có tiêu biểu của đồng bào nơi đây.

2. Bộ cương Yên ngựa\

Con ngựa là một phần không thể thiếu của đời sống sản xuất và văn hoá ở Bắc Hà. Đặc biệt hơn nữa khi nhắc đến ngựa, không thể không nhắc tới bộ cương và yên ngựa. Bộ cương bao gồm nhiều phần sợi dây nối liền với hàm, các khớp cương được đưa luồn qua miệng ngựa, thành một dây vòng có độ dài từ hàm ngựa đến tay người ngồi trên yên. Khi nài ngựa (người cưỡi) lên yên rồi, giật cương là ra lệnh cho ngựa chạy, thả cương là để ngựa đi từ từ thong thả, gò cương là bảo ngựa đứng lại.

Nếu như cương ngựa giúp nài ngựa điều khiển con ngựa một cách linh hoạt thì yên ngựa có vai trò quan trọng giúp cố định và giữ thăng bằng cho người ngồi trên lưng ngựa. Yên ngựa cũng là phần giúp nài ngựa định hình đồ để ngựa mang vác, chở trên lưng. Người Bắc Hà xưa thường không sử dụng yên ngựa mà chỉ đơn giản đặt tấm vải dày lót lên lưng ngựa sao cho cân đối với lưng ngựa, để cưỡi hoặc thồ hàng cho thoải mái. Ngay cả khi đua ngựa, Bắc Hà vốn nổi tiếng với những cuộc đua ngựa không yên nhưng người kỵ sĩ Cao nguyên trắng lúc nào cũng khéo léo, mạnh mẽ đem tới cho người dân và khán giả những màn trình diễn hấp dẫn, gay cấn của cuộc đua kỳ thú bậc nhất Tây Bắc.

3. Cối và chày giã bánh dày

 

Theo quan niệm của người Mông ở Bắc Hà, bánh dày không chỉ là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái, mà còn là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất bởi vậy cối và chày giã bánh được lựa chọn kĩ càng và có những yêu cầu nhất định. Trước tiên, cối phải được làm bằng thân cây gỗ chắc, thớ mịn, có mùi thơm và khoét rỗng ruột. Sau đó chày giã bánh cũng được làm bằng cá loại gỗ cứng và nặng tay để khi giã gạo lực vừa khoẻ sao cho bánh dẻo và thật mềm. Chày và cối giã bánh dày càng vững chãi, chắc chắn thì chiếc bánh dày được giã càng dẻo, ngon và để được lâu. Khi giã xong rồi cần bàn tay khéo léo của người phụ nữ nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được. Bánh được gói bằng lá chuối đã hơ qua lửa và lau sạch. Bánh dày không chỉ để thờ cúng tổ tiên, trong ngày lễ tết mà còn là món ăn đãi khách, làm quà cho khách đến thăm nhà. Khi ăn thường nướng trên than hồng hoặc cắt thành từng miếng bánh nhỏ hình chữ nhật rồi cho lên rán phồng thật thơm và hấp dẫn.

4. Cối xay lúa, ngô

Cối xay lúa và ngô truyền thống của người Mông ở Bắc Hà là đồ gia truyền lâu đời dùng để xay lúa, ngô thành phẩm để làm mèn mén hoặc làm bánh. Đối với người Mông, cối xay là vật dụng có ý nghĩa tâm linh liên quan đến “của ăn của để” của mỗi gia đình. Cối có phần trục chính được làm bằng đá nguyên khối, đục hoàn toàn bằng thủ công. Phần tay quay dài khoảng hơn 1 m làm bằng gỗ được treo bởi một sợi dây bền chắc còn một đầu được gắn cài với mặt trên của cối đá. Còn phần máng dài khoảng hơn 1 m, rộng 0,7 m được làm bằng loại gỗ rừng bền chắc đảm bảo lâu dài không mối mọt. Làm 1 chiếc cối xay thường do người đàn ông trụ cột gia đình thực hiện và mời cánh trai tráng trong bản tham gia trong khoảng 15 ngày. Người Mông có quy tắc đặt cối xay ở bên phải gian nhà với mong muốn cuộc sống thuận hòa, ngô lúa đầy bồ. Gắn liền với đời sống hàng ngày nên chiếc cối xay đá trở thành một người bạn quan trọng đối với đồng bào Mông. Khi sử dụng xong phải lau rửa sạch sẽ, gọn gàng; người lớn hay trẻ nhỏ đều không được phép ngồi vào cối xay. Trong gia đình thường thì người chồng đứng ra đẩy tay xay hạt thóc, hạt ngô, người vợ bỏ từng nắm vào cối. Tuy nhiên, khi kén vợ, chàng trai vẫn mong muốn tìm được cô gái khỏe mạnh, dẻo dai, khéo léo biết xay lúa, xay ngô bởi họ tin rằng cô gái đó sẽ là người đảm đang biết lo toan, vun vén việc nhà.

5. Cuốc

Cái cuốc xuất hiện rất sớm và gắn bó với đồng bào các dân tộc Bắc Hà ngay từ những ngày đầu thuở sơ khai. Cuốc nông cụ dùng tay không thể thiếu để bà con người Mông, người Tày, Nùng làm đất, làm ruộng bậc thang hay canh tác hoa màu trong vườn.

Cuốc là vật dụng tiêu biểu cho nghề làm vườn của nông dân Bắc Hà với 2 phần là lưỡi cuốc và phần cán bằng gỗ cứng. Lưỡi cuốc có hình bầu tròn như tai voi, dùng để cuốc đất mềm, làm sướng mạ hay cuốc cỏ trong vườn, hoặc loại có lưỡi hình chữ nhật, có cán cuốc tra vào họng lồi ở khoảng giữa đốc cuốc và được nêm chặt lại dùng để làm ruộng. Phần cán gỗ thường được làm dài tới 1 sải tay để tạo lực cho đường cuốc được dài, sắc bén. Chiếc cuốc là công cụ quan trọng và người bạn đồng hành thân thiết của người Mông ở Bắc Hà.

6. Cày

Lưỡi cày là nông cụ quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp ở Bắc Hà. Khác với lưỡi cày ở đồng bằng, lưỡi cày ở Bắc Hà được hớt cong vừa phải chứ không nhọn hoắt và cong vút. Khi cày, nếu chạm hay va vào đá thì người cày chỉ nâng nhẹ tay cày lên, hoặc lượn tay cày sang trái, sang phải, là có thể lách được những hòn đá ẩn mình trong lòng đất. Từ trên xuống hai góc của lưỡi cày, thợ đúc lưỡi cày phải đo cho thật bằng nhau để mũi cày không bị chênh. Vì yêu cầu đặc biệt này mà người thợ rèn ở Bắc Hà phải có kinh nghiệm, có sự kiên trì, bền bỉ và cẩn thận trong từng công đoạn nhỏ khi rèn, đúc ra lưỡi cày. Người Mông ở Bắc Hà có những bí quyết riêng trong quá trình xử lý gang, thép cũng như các nguyên liệu để sản xuất được chiếc lưỡi cày ưng ý. Đồng bào dân tộc ở Bắc Hà coi chiếc lưỡi cày như người bạn thân thiết và có cách ứng xử với chiếc lưỡi cày khá đặc biệt.

7. Bừa

Bừa là nông cụ dùng xới mặt đất. Sau khi cày, người ta sử dụng bừa để cào những đám cỏ khó phân hủy, trước khi trục để sục bùn nhận cỏ.

Cái bừa có hai phần. Thân bừa là một khối gỗ chữ nhật, dài khoảng 1,5m - 1,7m, giữa có 2 lỗ mộng để cắm 2 gọng gỗ hoặc tre. Chiếc gọng dài khoảng 2 m, đuôi gọng gắn con sẻ/chốt. Thân bừa có từ 9 - 10 răng, mỗi răng dài khoảng 0,2m, thường làm bằng gỗ hoặc tre thậm chí là bằng sắt. Tùy theo vùng đất mà người ta tính độ dài của thân bừa. Việc điều khiển trâu bừa cũng như điều khiển trục đòi hỏi người đứng bừa trụ chân có sự khéo léo và kinh nghiệm nhất định.

8. Lưỡi hái gặt lúa

Lưỡi hái và lưỡi liềm là 2 dụng cụ thu hoạch lúa phổ biến trong nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Lưỡi hái cấu tạo nhỏ nhẹ hơn lưỡi liềm gồm 2 phần là phần thân bằng gỗ và phần lưỡi hái bằng sắt. Lưỡi hái ngắn, phẳng, nhỏ, không có răng cưa như lưỡi liềm, được gắn cố định vào phần thân gỗ dài khoảng 10cm. Thân hái có thể cong hình bán nguyệt hoặc hình chữ nhật, một bên viền thẳng được gắn lưỡi vào, viền cong thì để tì tay vào. Khi sử dụng dùng 2 ngón tay kẹp vào giữa hái, khi cắt lúa, dùng 2 ngón tay đó kéo vè kẹp chặt, ấn vào đầu lưỡi hái nhằm cắt đứt bông lúa. Bông lúa cắt xong tay kia cầm lấy rồi bỏ bảo trong giỏ hoặc gùi rồi đem về nhà phơi.

9. Nỏ

Không chỉ là một trong các công cụ săn bắt gắn bó với đồng bào dân tộc ở Bắc Hà ngay từ những ngày đầu sơ khai lập địa, cây nỏ còn là một sản phẩm văn hóa của cộng đồng. Cây nỏ của người Mông, Dao, Hà Nhì, Phù Lá, Tày... đều tương tự nhau, gồm 5 bộ phận chính là thân nỏ, cánh cung, dây cung, lẫy nỏ và cung tên. Thân nỏ được làm bằng các loại gỗ tốt như gỗ lim, gỗ pơ mu. Cánh cung được làm bằng tre già có độ cứng và độ đàn hồi cao. Dây cung là bộ phận rất quan trọng nên khi làm các chàng trai phải đi vào rừng tìm lấy các loại dây rừng về tước lấy vỏ, phơi khô rồi bện thành các sợi làm dây nỏ. Mũi tên được làm bằng loại tre già tạo ra tính sát thương cao. Bằng những kinh nghiệm của mình, những người con của núi rừng đã tìm tòi, sáng tạo ra rất nhiều loại mũi tên với đủ kích cỡ khác nhau, có những loại mũi tên dùng để bắn chim, săn thú, tự vệ... Khi săn các loại thú, họ dùng các mũi tên nhỏ, ngắn, còn khi đi săn các loại thú lớn họ dùng mũi tên to, dài, đầu mũi tên có bọc bạc. So với các loại vũ khí săn bắt khác thì nỏ là loại vũ khí phổ biến hơn cả vì những đặc tính của nó như dễ làm, dễ mang đi, và sử dụng được trên mọi địa hình, có thể săn thú ở trên cao, hoặc ở mặt đất nên khi đi chơi hay đi săn các chàng trai thường mang theo mình để khi gặp thú thì có thể bắn. Đối với người Mông, sức mạnh của cây nỏ được đưa lên đến sự tột đỉnh bằng sức mạnh của trời đất, của các vị thần linh. Bởi vậy mà mỗi khi bước vào trong căn nhà của người Mông chúng ta thường thấy có một cây nỏ treo ở gian giữa với ý nghĩa dùng làm vũ khí để bảo vệ gia đình tránh mọi rủi ro, tà ma vào làm hại.

Bùi Hà

Related Post

Sample Plan